Một nhà máy điện Mặt Trời. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Phần lớn các dự án nhà
máy điện Mặt Trời này nằm ở các địa bàn đất đai cằn cỗi, sản xuất nông, lâm
nghiệp kém hiệu quả, tập trung tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông…
Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk có gần 40 nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu,
khảo sát, lập đề xuất dự án với tổng công suất trên 14.000MW.
[Tỉnh Đắk Lắk
quyết định loại bỏ 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ]
Qua xem xét năng lực tài chính, kinh nghiệm của các nhà đầu tư, tỉnh Đắk Lắk đã
chấp thuận 18 nhà đầu tư triển khai khảo sát, lập dự án điện Mặt Trời.
Trong số đó, có bốn dự án điện năng lượng Mặt Trời, gồm dự án điện năng lượng
Mặt Trời của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuân Thiện Ninh Bình có công suất
2.000MW, với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD; dự án của Công ty cổ phần đầu tư và
phát triển hạ tầng Long Thành có công suất 250MW, với tổng vốn đầu tư 7.025 tỷ
đồng; dự án của Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) có công suất từ 300-500MW, với tổng vốn
đầu tư 16.875 tỷ đồng và dự án của Tập đoàn TH True Milk.
Trong bốn dự án trên có hai dự án đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chỉnh
phủ phê duyệt và hai dự án đang được Bộ Công Thương thẩm định trước khi trình
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư như tiền thuê
đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp... và thực hiện nhiều biện pháp
trong cải cách thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư.
Căn cứ tài liệu khảo sát về bức xạ Mặt Trời, bản đồ tiềm năng năng lượng Mặt
Trời Việt Nam do Cơ quan Năng lượng Việt Nam và Cơ quan hợp tác phát triển Tây
Ban Nha (AECID) tổ chức đánh giá, Đắk Lắk nằm trong khu vực có tiềm năng về
năng lượng Mặt Trời rất lớn với khoảng 95 GWh/năm, bức xạ Mặt Trời trung bình
khoảng 5 kWh/m2/ngày.
Các khu vực có tiềm năng điện Mặt Trời tập trung ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn,
Krông Bông, Ea H’leo.
Hiện, tỉnh Đắk Lắk đang lập quy hoạch điện Mặt Trời đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030./.