Đồng chí Hoàng Văn Đức, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) điều hành cuộc giám sát
Tính đến hết ngày 31/12/2017, toàn tỉnh Hoà Bình có 257 HTX trong đó 213 HTX đang hoạt động và 44 HTX ngừng hoạt động ( đang làm thủ tục giải thể). Năm 2017, tổng doanh thu hàng hoá và cung cấp dịch vụ ước đạt trên 493 tỷ đồng, trung bình đạt trên 2,8 tỷ đồng/HTX, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận bình quân 1 HTX đạt khoảng 338 triệu đồng. Tổng nộp NSNN ước đạt 6,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 3,2 triệu đồng/người/tháng. Đến cuối năm 2017, tổng số lao động thường xuyên làm việc trong các HTX khoảng 5.300 người, trong đó lao động là thành viên là 4.168 người. Bộ máy quản lý, điều hành của các HTX gọn nhẹ, bình quân từ 3 – 4 người/HTX, đa số cán bộ quản lý các HTX không có kiến thức chuyên sâu về các hoạt động quản trị, quản lý tài chính, chế độ kế toán của HTX.
Theo chức năng, nhiệm vụ, từ năm 2013 – 2017, Liên minh HTX đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức khoảng 48 lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng kiến tức cho trên 2.800 lượt cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong các HTX. Hằng năm, đều tổ chức hỗ trợ cho một số HTX tham gia triển lãm, hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho các HTX. Tuy nhiên nhiều chính sách hỗ trợ chưa mang lại hiệu quả cao, một số chính sách khi thực thi còn nhiều bất cập do thiếu cơ chế, hướng dẫn, các tiêu chí, điều kiện không phù hợp với thực tiễn và thiếu các nguồn lực thực hiện. Bản thân các HTX còn nhiều hạn chế, yếu kém do đó khó có khả năng đáp ứng được các tiêu chí để hưởng thụ chính sách hỗ trợ.
Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo Liên minh hợp tác xã tỉnh đã đề nghị , Quốc hội, Chính phủ và một số Bộ, ngành T.Ư quan tâm sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong nghị định 193/2013/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa trình tự, thủ tục thành lập, giải thể HTX. Ban hành quy định cụ thể về thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo dài hạn cho cán bộ quản lý HTX từ hệ cao đẳng trở lên. Ban hành Nghị định về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ T.Ư đến tỉnh; Hướng dẫn về trình tự, thủ tục đầu tư và giải ngân vốn hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho HTX để áp dụng cho cả nước. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét giảm mức trích nộp quỹ bảo toàn hệ thống hàng năm xuống còn 0,01-0,02%; bãi bỏ các quy định bó hẹp phạm vi hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân; giảm mức đóng góp vốn thường niên hàng năm của thành viên quỹ tín dụng nhân dân. Đề tỉnh phân bổ thêm nguồn kinh phí (hàng năm) để triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển HTX trên địa bàn tỉnh. Tăng nguồn vốn hỗ trợ cho quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh theo đúng quyết định số 1747 của UBND tỉnh. Giao cho Liên minh HTX tỉnh thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX. Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Hoàng Văn Đức, Trưởng đoàn giám sát nêu: Qua quá trình khảo sát ở 9 HTX thuộc 5 huyện, thành phố và ý kiến của các đại biểu tại cuộc giám sát cho thấy: Cấp ủy, chính quyền và các ngành hữu quan của tỉnh đã có những động thái tích cực trong chỉ đạo, triển khai, thực hiện Luật Hợp tác xã 2012. Tuy nhiên, hiện tại việc phát triển HTX trên địa bàn tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn. Sau cuộc giám sát, Ban KT-NS sẽ tổng hợp ý kiến để kiến nghị với cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn. Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần phối hợp với cấc sở, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai tốt hơn Luật Hợp tác xã. Đặc biệt chú trọng tới chương trình thí điểm " Đưa sinh viên về HTX”, tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai; thúc đẩy các HTX mở rộng ngành nghề SX-KD; khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị , tăng cường liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm của HTX. Bám sát hoạt động ngân sách hàng năm để đảm bảo quỹ hỗ trợ phát triển HTX đạt mục tiêu./.
Thúy Hằng