Hằng năm vào mùa hạn, tỉnh Ninh Thuận luôn quay quắt ứng phó với tình trạng khan hiếm nước sản xuất, chăn nuôi tại những vùng cao, nhưng thiên nhiên cũng bù đắp lại giữa nắng hạn gay gắt, diêm dân nơi đây đang tất bật với việc thu hoạch muối. Trong quý I/2018, diêm dân vừa trúng mùa, lại được giá nên rất phấn khởi.


Diêm dân Ninh Thuận thu hoạch muối đầu vụ 2018 đạt sản lượng cao và trúng giá, nên bà con rất phấn khởi.

Huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận hiện có 565 ha muối diêm dân (còn gọi là muối nền đất) và 60 ha muối trải bạt trên nền đất. Tổng sản lượng thu hoạch hơn 144 nghìn tấn. Từ đầu năm 2018 đến nay, diêm dân đã thu hoạch hơn 40 nghìn tấn muối. Thương lái thu mua với giá 900 nghìn đồng/tấn muối được đóng bao tại chân ruộng (cao gấp đôi so với năm trước), diêm dân Ninh Thuận đang có lãi cao.

Đến ruộng muối của diêm dân xã Phương Hải vào những ngày đầu tháng tư. Trời nắng nóng như lửa, nhưng trên cánh đồng bạt ngàn muối trắng có rất đông người đang tất bật cào và dùng xe rùa đẩy muối dưới ruộng lên bờ vun thành nhiều đống lớn; tốp người khác nhanh chóng đóng muối vào bao; tư thương điều hàng chục xe ô-tô chạy quanh các ruộng để thu muối chở về kho dự trữ. Diêm dân Mười Danh với gần 20 năm làm muối, nói: "Nắng nóng thì nước biển bốc hơi càng mạnh nên muối kết tinh càng nhanh và độ mặn càng cao. Đầu năm đạt sản lượng cao và trúng giá, bà con rất phấn khởi”.

Làng muối Khánh Tường, xã Tri Hải được xem đi đầu trong việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang làm muối, đem lại thu nhập cao nhiều năm qua. Nhờ đó, đời sống người dân nơi đây ngày càng khấm khá, góp phần đưa Tri Hải đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng giữa năm 2015.

Đầu vụ này, một héc-ta muối của hộ ông Trần Minh Huy, ở thôn Khánh Tường thu hoạch 40 tấn. Thời tiết thuận lợi, mỗi tháng cào từ ba đến bốn lần, mỗi lần khoảng 10 tấn muối. Cạnh đó, sản lượng ruộng muối của ông Bảy Hảo cũng cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, ông chia sẻ: "Mình có ruộng nhiều nên mấy năm gần đây đã nghĩ cách tạo việc làm cho người khác bằng hình thức giao cho một vài người quen, những thanh niên có ý chí tự thân lập nghiệp chăm sóc theo hình thức "kẻ có công người có của”, và chia sản phẩm sau thu hoạch với tỷ lệ 5/5. Nhờ đó, đời sống của nhiều người nhận ruộng để làm ngày càng no đủ hơn”.

Đến thăm anh Lê Bảo, một trong những người nhận bốn sào ruộng muối của ông Bảy Hảo để tự thân lập nghiệp đang thu hoạch. Vừa đẩy xong chuyến xe rùa đầy ắp muối từ dưới ruộng lên bờ đổ thành đống lớn, tranh thủ nghỉ tay khi nghe chúng tôi hỏi đời sống giờ sao rồi, anh bộc bạch: "Sau khi xuất ngũ, em về quê lập gia đình và hai vợ chồng quyết định phải tự thân lập nghiệp. Nhưng với ít vốn dành dụm mấy năm không đủ để mua đất sản xuất. May mắn được người quen giới thiệu, em nhận lại bốn sào ruộng của ông Bảy để làm muối và ăn chia theo tỷ lệ 5/5. Năm nay trúng mùa, mỗi lứa cào được từ bốn đến năm tấn, bán giá cao, nên đời sống gia đình rất ổn định. Năm sau, em sẽ nói chủ ruộng cho nhận vài sào nữa để tăng thêm thu nhập”.

Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh thực hiện chủ trương bê-tông hóa để tạo thông thoáng cho tuyến giao thông nông thôn và thuận tiện cho việc vận chuyển sản phẩm nông nghiệp, diêm nghiệp sau thu hoạch, giờ đây đường đến những cánh đồng muối ở huyện Ninh Hải rất thuận lợi. Nhiều nơi, xe ô-tô trọng tải lớn có thể chạy đến tận chân ruộng để thu muối, giúp diêm dân giảm nhiều khoản chi phí phụ trong sản xuất. Bí thư Chi bộ thôn Khánh Tường Đặng Văn Hoàng cho biết, nhờ muối mà người dân nơi đây có cơ hội vươn lên thoát nghèo và nâng cao đời sống rất nhiều.

 Còn nhớ, trước năm 2000, đời sống người dân vùng này nằm trong diện nghèo nhất xã Tri Hải. Với diện tích 80 ha đất rẫy trồng một số loại cây mầu ngắn ngày như: ngô, đậu dựa vào nước trời, nhưng lượng mưa ít nhất cả nước, nên năng suất kém, dẫn đến câu chuyện mất mùa nhiều hơn được mùa, nên đời sống rất bấp bênh. Trong bối cảnh đó, sau năm 2000, Đảng ủy xã đã chỉ đạo triển khai nghị quyết chuyển đổi những vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang làm muối. Theo đó, chi bộ thôn Khánh Tường vận động bà con đầu tư nguồn lực để làm muối. Chỉ sau đó vài năm, toàn thôn đã chuyển đổi được 70 ha ruộng muối. Nếu trước đây, các vùng đất rẫy Hốc Lim, Hốc Kén… sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thì nay nguồn thu nhập từ muối đã và đang đem lại cho bà con đời sống no ấm, sung túc.

Với lợi thế gần biển, nên việc chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang làm muối nơi đây khá thuận lợi. Bên cạnh đó, địa hình vùng này như lộ thiên dưới nắng nóng quanh năm, nên những ruộng muối ở Khánh Tường cho năng suất khá cao (từ 200-230 tấn/ha/năm, tổng sản lượng đạt 15 nghìn tấn). Hiện nay, giá muối 900 nghìn đồng/tấn, thì trong năm 2018, thu nhập toàn thôn khoảng 14 tỷ đồng.

Toàn thôn hiện có 148 hộ với 570 khẩu, sau hơn chục năm chuyển đổi mô hình làm muối, giờ chỉ còn ba hộ nghèo do già yếu neo đơn được hưởng bảo trợ xã hội. Nhiều diêm dân đã trở thành triệu phú, tỉ phú. Khánh Tường là thôn đầu tiên của xã Tri Hải đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải Lưu Xuân Hải, cho biết: những năm qua, nhờ thu nhập cao từ muối đem lại, diện mạo nông thôn tại các xã Tri Hải, Nhơn Hải, Phương Hải, thị trấn Khánh Hải… ngày càng khởi sắc, số hộ thoát nghèo mỗi năm tăng đáng kể; học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều, nên nguồn lực cán bộ trẻ có trình độ ở địa phương đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong chỉ đạo điều hành, thực hiện hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội.

Hiện nay, huyện đang khuyến khích diêm dân áp dụng công nghệ làm muối trải bạt trên nền đất thay cho làm muối nền đất truyền thống để nâng cao năng suất và chất lượng muối. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư công nghệ chế biến muối tinh, muối i-ốt và các sản phẩm khác từ muối, để nâng cao chuỗi giá trị hạt muối, nâng cao đời sống cho diêm dân, góp phần cho huyện thực hiện đủ các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

 

                                      TheoNhandan

Các tin khác


Bước đầu thành công với trồng cây sachi

(HBĐT) - Dự án trồng cây sachi tại huyện Kỳ Sơn được triển khai tại 4 xã: Hợp Thành, Yên Quang, Mông Hóa, Phúc Tiến với tổng diện tích 5 ha. Đây là loại cây lần đầu tiên được huyện đưa vào trồng. Dù mới thử nghiệm nhưng cây sachi được bà con đánh giá phù hợp với khí hậu, đất đai vùng đồi núi nên cây sinh trưởng, phát triển tốt và đang cho thu hoạch.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để Thành phố Hòa Bình về đích NTM vào cuối năm 2018

(HBĐT) - Ngày 12/4, UBND tỉnh có buổi làm việc với UBND Thành phố Hoà Bình về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Huyện Lạc Thủy thúc đẩy tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi

(HBĐT) - Sau xây dựng và công bố nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Cam Lạc Thủy vào tháng 10/2017, huyện Lạc Thủy đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gà Lạc Thủy nhằm khẳng định và phát triển thương hiệu các nông sản chủ yếu, đồng thời thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi.

Tăng cường chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách

(HBĐT) - Ngày 11/4, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách quý I và triển khai mục tiêu nhiệm vụ quý II. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện chủ trì hội nghị.

Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài tại TP Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 11/4, Đoàn ĐBQH tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 tại TP Hòa Bình.

Xã Chí Đạo xây dựng thương hiệu “Hạt dổi Lạc Sơn”

(HBĐT) - Khoảng 5 năm trở lại đây, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn từng bước đổi thay, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Những đổi thay đó có phần đáng kể nhờ vào cây dổi. Cây dổi đã giúp đổi đời nhiều hộ từ nghèo khó nay có của ăn của để và vươn lên làm giàu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục