Ngay sau khi phát hiện bệnh đạo ôn gây hại trên lá lúa, gia đình chị Đinh Thị Hảo, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) và các hộ trồng lúa lân cận đã phun thuốc đặc trị theo nguyên tắc "4 đúng” để diệt trừ nguồn bệnh, kiểm soát khả năng lây lan diện rộng.
Theo quan sát của chị Hảo, bệnh đạo ôn ban đầu xuất hiện trên lá lúa bằng những chấm nhỏ màu xanh xám nhạt, về sau vết bệnh lớn dần có hình thoi, ở giữa màu xám tro, xung quanh màu nâu đậm. Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đạo ôn đang gây hại trên lá lúa, nếu không phòng trừ kịp sẽ lây lan và gây hại nặng từng chòm, thậm chí cả khu ruộng.
Theo chị Đinh Thị Hảo, mấy sào lúa nhà chị đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái. Đây là thời điểm cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sinh vật gây hại, trong đó có bệnh đạo ôn. Thêm vào đó, thời tiết mấy ngày vừa qua có lạnh kèm theo mưa ẩm nên càng thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển. Với kinh nghiệm của mình, chị Hảo thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, qua đó phát hiện diện tích nhỏ bị nhiễm đạo ôn trên lá lúa. Rất may tỷ lệ hại còn ít nên chị kịp thời can thiệp ngay bằng cách sử dụng thuốc đặc trị Carben 50 WP, phun thuốc vào buổi sáng khi trời đã khô sương. Đặc biệt, chị Hảo dự kiến khi cây lúa bắt đầu trỗ bông, chị sẽ phun lại lần 2 để phòng bệnh đạo ôn cổ bông.
Cũng như nhà chị Đinh Thị Hảo, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh đang đối phó với nguy cơ gây hại của bệnh đạo ôn. Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ trung bình 0,5-1%, cao 5-7%, cục bộ 15-20% số lá, cá biệt có những ruộng đã bị lụi từng chòm như ở xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy. Được biết, đây là đối tượng thường gây hại mạnh trên lúa từ giai đoạn cuối đẻ nhánh – trỗ bông. Bệnh do nấm Pyricularia oryzae Cav gây ra, dễ phát triển trong điều kiện thời tiết âm u, mưa phùn và sương mù liên tục. Trong sản xuất vụ xuân năm nay, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện từ trung tuần tháng 2, tương đương cùng kỳ năm trước và sớm hơn trung bình nhiều năm trên các vùng ổ bệnh cũ. Dự báo từ nay đến cuối tháng 4, khi thời tiết tiếp tục chịu ảnh hưởng của không khí lạnh cường độ yếu kèm theo mưa ẩm và sương mù rải rác sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan gây hại trên các trà lúa đang giai đoạn mẫn cảm.
Để hạn chế thấp nhất tác hại của bệnh đạo ôn trên cây lúa vụ xuân từ nay đến cuối vụ, Sở NN&PTNT đã ban hành Công văn số 472, ngày 6/4/2018 gửi UBND các huyện, thành phố, trong đó nhấn mạnh: Các địa phương cần khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ xuân. Tuyệt đối không được chủ quan với đối tượng sâu bệnh này, bởi diện tích nhiễm bệnh sẽ tăng rất nhanh nếu không kịp xử lý triệt để. Mặt khác, nguồn bệnh đạo ôn lá đã phát sinh hiện nay chính là nguồn nấm bệnh lây nhiễm đạo ôn cổ bông cho diện tích lúa trỗ bông từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5/2018, nguy cơ ảnh hưởng mạnh đến năng suất, chất lượng lúa.
Cụ thể, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở thực hiện ngay việc tổng kiểm tra đồng ruộng, phân loại rõ mức độ nhiễm bệnh của từng giống để có biện pháp xử lý phù hợp, đặc biệt chú ý trên diện tích cấy các giống BC15, TBR225, TH3-3, TH3-4, TH3-5, CR203, lúa nếp… Khi phát hiện các ổ bệnh mới, cần sử dụng thuốc đặc trị xử lý ngay để không bị lây lan thành dịch. Với những ruộng đã bị nhiễm đạo ôn lá cần phun phòng đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trỗ, phun lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày. Dùng một trong các loại thuốc: Filiađ 525SE; Amistar Topđ 325SC; Trizole 20 WP, 75WP, 75WG; Carben 50 WP; Bulny 850 WP; Beam 75 WP; Fuji-One 40 EC, 40 WP... hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, có đăng ký phòng trừ bệnh đạo ôn.
Ngay khi phát hiện khu ruộng bị nhiễm bệnh, cần giữ đủ nước, không bón đạm hoặc phun phân bón lá có chứa đạm. Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép 2 lần cách nhau 3-5 ngày bằng một trong các thuốc nêu trên. Đặc biệt, trong những trường hợp cần thiết, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chủ động trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ bệnh, từ đó kiểm soát nguy cơ bệnh đạo ôn có thể lây lan bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất lúa vụ xuân năm 2018.
Thu Trang