Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả có múi huyện Kim Bôi quy mô 125 ha cho hiệu quả kinh tế cao. ảnh: Thành viên HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (xã Tú Sơn) chăm sóc bưởi để nâng cao chất lượng sản phẩm.
3 dự án liên kết sản xuất gồm: dự án liên kết sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả có múi; dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô ngọt theo chuỗi giá trị được thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình NTM với tổng kinh phí trên 14,8 tỷ đồng.
Về dự án liên kết sản xuất rau an toàn thực hiện 10 ha tại 2 xã Nam Thượng và Hạ Bì với 55 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện trên 1,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách huyện 500 triệu đồng, nguồn NTM 400 triệu đồng; ngân sách tỉnh 60 triệu đồng; nguồn HTX trên 169 triệu đồng; người dân góp trên 390 triệu đồng. Đơn vị thực hiện là HTX dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì, đơn vị tiêu thụ sản phẩm là HTX nông nghiệp Vĩnh Tiến. Dự án đã hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới và điện phục vụ vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hạ Bì với diện tích 2,6 ha. Ngân sách huyện hỗ trợ về giống và vật tư; tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho các hộ tham gia. Ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng bể thu gom thuốc BVTV. Qua đánh giá, sau khi dự án triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt, sản lượng tăng 10%, lợi nhuận thu hơn 30 triệu đồng.
Về dự án liên kết sản xuất ngô ngọt thực hiện tại xã Mỵ Hoà và vùng lân cận, tổng diện tích thực hiện 150 ha. Đơn vị thực hiện là HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỵ Hoà; đơn vị tiêu thụ sản phẩm là Công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao (Ninh Bình). Dự án đầu tư kinh phí kiên cố hoá đường trục chính nội đồng tại 2 thôn có diện tích trồng ngô ngọt lớn tại xã Mỵ Hoà với chiều dài 523 m, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ cho các vụ sản xuất tiếp theo. Kinh phí thực hiện xây dựng đường trục chính nội đồng trên 475 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí dự án 300 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Vụ xuân 2018, dự án thực hiện trồng 100 ha và dự kiến trồng 50 ha vào vụ mùa.
Về dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả thực hiện tại các xã Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bình Sơn quy mô 125 ha. Sản phẩm chủ lực là cây ăn quả có múi. Đơn vị thực hiện là HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động; đơn vị tiêu thụ sản phẩm là Công ty cổ phần sản xuất và chế biến nông sản số 1 Hà Nôi và Công ty TNHH Chuẩn nông Việt Nam. Dự án đã hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên HTX và hộ trồng cây; hỗ trợ đảm bảo ATTP trong sơ chế sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 12,8 tỷ đồng, trong đó, nguồn dự án 300 triệu đồng, nguồn HTX 50,5 triệu đồng; nguồn vốn góp xã viên 12,5 tỷ đồng.
Là người trực tiếp tham gia dự án, anh Nguyễn Văn Thắng, thành viên HTX Mường Động cho biết: Thông qua các lớp tập huấn, các thành viên, hộ trồng cây đã nắm rõ hơn về quy trình sản xuất cũng như nâng cao được chất lượng sản phẩm trong và sau khi thu hoạch. Qua đánh giá, mỗi ha đất sản xuất cây có múi tham gia dự án tăng 2 triệu đồng/năm do giảm được giá thành vật tư đầu vào, giảm chi phí BVTV; giá trị sản phẩm tăng ít nhất 10% so với sản phẩm cùng loại không tham gia dự án.
ông Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM được thực hiện tại các HTX bước đầu đã mang lại hiệu quả, nhất là khâu liên kết "bốn nhà” về cung ứng đầu vào, đầu ra của sản phẩm, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lục của huyện, tăng thu nhập cho hộ gia đình, thực hiện đạt kết quả tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM. Năm 2018, huyện Kim Bôi tiếp tục duy trì diện tích thực hiện năm 2017 và mở rộng diện tích vùng sản xuất theo kế hoạch; tìm kiếm doanh nghiệp đủ năng lực để tiêu thụ sản phẩm; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho dự án... Năm 2018-2019, huyện Kim Bôi dự kiến thực hiện chuỗi sản xuất tiêu thụ dứa và chanh leo với diện tích 70 ha tại xã Mỵ Hoà và các vùng lân cận. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển ổn định, bền vững đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; nâng cao chất lượng và phát triển các HTX; củng cố, hoàn thiện các mối liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.
Đinh Thắng