Hội viên nông dân thôn Đồng Sương, xã Tân Thành (Lương Sơn) luân canh sản xuất nông nghiệp hữu cơ có đầu ra sản phẩm ổn định, bình quân thu nhập đạt 400 triệu đồng/ha.
Chị Hoàng Thị Thức hiện là Giám đốc HTX nông sản hữu cơ thôn Đồng Sương. Chị Thức cho biết: Cách đây vài năm, hội viên nông dân trong thôn chưa biết cũng như chưa được tiếp cận với hình thái sản xuất canh tác nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn và nguồn thu giá trị. Cho đến khi Hội Nông dân huyện định hướng và lựa chọn thôn Đồng Sương làm điểm sản xuất mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ, tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo hội viên thực hành sản xuất theo phương pháp mới, nhận thức, tư duy và hành động của bà con đã thay đổi tích cực. Nhóm sản xuất với hơn 30 thành viên đã quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ, mở rộng vùng sản xuất đạt 3 ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 70 tấn rau, củ, quả các loại, thu nhập của các hộ thành viên HTX trực tiếp tham gia sản xuất đã cải thiện rõ rệt.
Được biết, trong công tác tư vấn việc làm và dạy nghề, Hội Nông dân xã Tân Thành đặc biệt chú trọng đưa ra những cơ hội nghề phù hợp với điều kiện, tình hình đời sống xã hội, trình độ của nông dân để mang lại hiệu quả tốt nhất. Các loại hình dạy nghề chủ yếu về trồng trọt, chăn nuôi, trong đó có 25 lớp về kỹ thuật thâm canh ngô, lúa, rau màu; 22 lớp nuôi lợn nái sinh sản, bò sinh sản, gà thả vườn; 1 lớp mây - tre đan; 6 lớp trồng cây ăn quả và 2 lớp đào tạo nghề nông nghiệp hữu cơ. Cũng từ đây, công tác này đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất của hội viên, hướng dẫn và hỗ trợ để hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với nguyện vọng của mình, đúng sự chỉ đạo của địa phương trong thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mặt khác, thông qua tuyên truyền, giới thiệu các chương trình, dự án của các doanh nghiệp có nhu cầu liên kết sản xuất, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp của nông dân được giải quyết theo xu hướng ổn định bền vững.
Theo đồng chí Lê Văn ý, Chủ tịch Hội Nông dân xã, toàn xã hiện có hàng chục mô hình sản xuất quy mô trang trại lợn nái sinh sản, gà thả vườn, nuôi gà đẻ trứng có thu nhập bình quân từ 400 - 600 triệu đồng/năm; các mô hình TTCN cũng phát triển với 6 cơ sở sản xuất và cung cấp đồ gỗ, 8 cơ sở sản xuất gạch block. Trên địa bàn, các hộ hội viên nông dân phát triển kinh tế đa dạng, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có 23 hộ kinh doanh dịch vụ, 99 hộ chăn nuôi, 66 hộ trồng trọt, 50 hộ trồng cây có múi. Trong 92 ha cây có múi, có 29 ha đã cho thu hoạch, bình quân thu nhập gần 400 triệu đồng/ha. Thông qua tư vấn việc làm và dạy nghề, Hội đã giúp 2.558 lao động có việc làm. Hơn 400 hộ hội viên sau hướng nghiệp, dạy nghề đã phấn đấu, nỗ lực vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu là các hội viên: Lê Thị Tuyển, Trần Thị Nháng ở xóm Tân Thành; Nguyễn Thị Hạnh ở xóm Mỹ Tân; Bùi Văn Tươi, Nguyễn Văn Thích ở xóm Đồng Thành; Nguyễn Ngọc Chi ở xóm Phượng Sồ; Nguyễn Văn Toàn ở xóm Phương Viên…
Bùi Minh