Công ty BanDai (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà) 100% vốn Nhật Bản giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp Ban quản lý KCN tỉnh Lưu Tùng Lâm cho biết: Khi cùng chúng tôi đi thăm, tìm hiểu hoạt động một số doanh nghiệp trên địa bàn, Tập đoàn sản xuất dệt may Esquel đang triển khai dự án tại KCN Lương Sơn đã có sự phát triển ấn tượng. Đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật và chăm lo đến môi trường làm việc của người lao động. Từ chỗ có khoảng 600 công nhân ban đầu, đến nay, Tập đoàn đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 5-7 triệu đồng/người/ tháng, đóng góp gần 10% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Tập đoàn dự kiến đầu tư mở rộng sản xuất tại KCN Lương Sơn, thu hút thêm 1.000 lao động trong năm 2019. Công ty Transon- Hàn Quốc tại KCN Lương Sơn cũng có tăng trưởng bền vững, trở thành đối tác tin cậy cung cấp linh kiện điện tử cho thương hiệu lớn của Samsung. Số lượng công nhân cũng tăng từ mạnh lên tới 1.200 người…
KCN Lương Sơn có hạ tầng đồng bộ, đến nay đã thu hút được 29 dự án đầu tư, trong đó có 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký khoảng 232 triệu USD và 16 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 2.711 tỷ đồng. Các dự án đang tạo ra những sản phẩm công nghiệp mới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông, may mặc, cơ khí, chế tạo phụ tùng ô tô, nhôm kính, xây dựng, giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,7 triệu đồng/người/ tháng. Nhiều doanh nghiệp KCN hoạt động hiệu quả như: Công ty TNHH Sankoh, Công ty TNHH Thấu kính R, Công ty may GGS Việt Nam (KCN bờ trái sông Đà); Công ty TNHH Doosung Tech Việt Nam, HNT ViNa, Nissin Manufaturing Việt Nam; Seyong INC, Midori Apparel Việt Nam tại KCN Lương Sơn… Các doanh nghiệp thực hiện khá nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động. Thường xuyên tổ chức đối thoại tập thể, giải quyết yêu cầu, vướng mắc của người lao động. Chú trọng xây dựng thỏa ước lao động tập thể, thực hiện các phúc lợi cho người lao động, xây dựng quan hệ hài hòa giữa người lao động với doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Đến nay các KCN trong tỉnh có 74 dự án, trong đó có 22 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 438,41 triệu USD và 52 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 7.896,74 tỷ đồng; có 45 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Quý I/2018, doanh nghiệp KCN thực hiện doanh thu ước đạt 2.479,82 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 103,595 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 31,58 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 16.144 người.
Năm nay đã có thêm những nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu triển khai dự án đầu tư hạ tầng các KCN trong tỉnh và các dự án trong KCN. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư hạ tầng KCN như: hạ tầng, trạm xử lý nước thải, chuẩn bị quỹ đất sạch tại KCN Mông Hóa, KCN bờ trái Sông Đà để thu hút đầu tư, quản lý tốt công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, hỗ trợ các dự án sớm đi vào hoạt động, xây dựng nhà ở công nhân, chú trọng xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững của tỉnh.
Lê Chung