(HBĐT) - Tiêu thụ nông sản đang là "bài toán khó” cho sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta. Những năm qua, tiêu thụ nông sản luôn trong tình trạng bấp bênh, gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường ổn định...


Thị trường bấp bênh, nông sản gặp khó

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Bùi Thị Thư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Việc tiêu thụ nông sản của người dân trên địa bàn huyện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như niên vụ năm 2017, diện tích trồng bí trên địa bàn huyện được mở rộng và đạt sản lượng cao. Tuy nhiên, do không có thị trường tiêu thụ ổn định nên giá bí bị tư thương ép xuống dưới 10.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn dưới 5.000 đồng/kg và lượng tiêu thụ chậm. Để kích thích tiêu thụ, UBND huyện đã liên hệ với các công ty, đơn vị ở các thị trường lớn như Hà Nội và một số địa phương về hỗ trợ, thu mua cho người nông dân. Tuy vậy, việc tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cũng giống như cây bí, niên vụ 2017, Yên Thủy được mùa lạc. Những năm trước lạc nhân đỏ của địa phương được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi và được giá. Thế nhưng, do năm 2017 không chỉ Yên Thủy mà nhiều tỉnh cũng được mùa, lượng hàng cung cấp ra thị trường rất lớn, vượt quá nhu cầu nên giá đã sụt giảm mạnh. Nếu như những năm trước giá lạc nhân đỏ luôn ở mức 20.000 đồng/kg thì niên vụ 2017 mức thấp nhất được ghi nhận là 9.000 đồng/kg nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự như vậy, Thanh Hối (Tân Lạc) từng là xã đi đầu toàn tỉnh về thực hiện mô hình nuôi nhốt vỗ béo trâu, bò. Hiệu quả của mô hình đã trở thành cơ sở để Huyện uỷ Tân Lạc xây dựng Nghị quyết về phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt, vỗ béo. Với mô hình này, Thanh Hối là điểm đến thăm quan, học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh... Tuy vậy, vài năm trở lại đây, số hộ duy trì mô hình này trên địa bàn xã chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là do giá cả thị trường bấp bênh, hạch toán kinh tế thấp chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/con trong thời gian 3 - 6 tháng nuôi nhốt vỗ béo nên người dân bỏ dần.

Cũng như các địa phương trong tỉnh khi thị trường bấp bênh về giá, việc tiêu thụ mía tím, mía ép nước của người dân huyện Cao Phong hiện nay đang gặp khó. Quệt tay lau mồ hôi làm bết những lọn tóc bạc trên trán, bà Nguyễn Thị Chịch ở xóm Bảm xã Tây Phong nói như than: Mới ngày hôm qua còn bán được 4.500 đồng/cây. Trưa nay người ta đã ép xuống còn 3.500 đồng/ cây. Không biết đến ngày mai có còn nổi 2.000 đồng/cây nữa không. Giá cả thì tuột dốc mà lượng tiêu thụ cũng hạn chế. Trong nhà còn cả vườn mía đã bán được cây nào đâu...


Thu hoạch mía, người trồng mía ở xã Tây Phong (Cao Phong) chỉ biết "ngóng” khách đến mua.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện tập trung vào tiêu thụ mía. Tuy vậy, lượng tiêu thụ rất chậm, so với năm trước giá mía đang sụt giảm. Những cây to, đẹp mới bán được ở mức 5.000 đồng/cây. Còn lại bình quân chỉ tiêu thụ được 2.000 - 3.000 đồng/cây. ở Cao Phong, không chỉ riêng cây mía mà đối với một số sản phẩm nông nghiệp cũng vì giá cả bấp bênh nên đã thu hẹp quy mô sản xuất. Điển hình như việc nuôi cá lồng trên vùng hồ Hoà Bình. Trước đây, toàn huyện có khoảng 1.000 lồng. Tuy nhiên, thời gian qua do giá cả xuống thấp, việc tiêu thụ bấp bênh nên quy mô giảm xuống chỉ còn hơn 500 lồng. Dù vậy, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.

Gỡ khó cho tiêu thụ nông sản - quan trọng là ở người dân

Trên thực tế, vấn đề tiêu thụ nông sản không chỉ là bài toán khó cho người dân mà đây cũng là bài toán khó cho chính quyền các cấp trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như xây dựng mối liên kết giữa người nông dân với thị trường. Tỉnh ta đã ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND và mới đây là Quyết định số 53/QĐ-UBND về quy chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hoá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Đánh giá về những cơ chế, chính sách này, đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong chia sẻ: Trong điều kiện hiện nay, các cơ chế, chính sách đã có tác dụng nhất định trong việc hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hoá. Tuy nhiên, chính sách này mới hỗ trợ đến các doanh nghiệp và các HTX trong việc tiêu thụ nông sản chứ chưa đến được với người dân. Theo tính toán, trên địa bàn huyện hiện có 3 doanh nghiệp, HTX đăng ký tiêu thụ nông sản. Đối tượng sản phẩm các đơn vị đăng ký hỗ trợ tiêu thụ là cam quả. Tổng sản lượng tiêu thụ của các đơn vị trong năm 2017 mới đạt 1.600 tấn. So với sản lượng chung của toàn huyện niên vụ 2017 - 2018 khoảng trên 33.000 tấn thì mức tiêu thụ của 3 đơn vị chỉ là một phần nhỏ. Tuy nhiên, đây mới là chính sách về hỗ trợ vận chuyển chứ không phải chính sách về tiêu thụ sản phẩm. Từ thực tế đó, chúng tôi mong rằng tỉnh nên nghiên cứu, xem xét xây dựng các chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến với đối tượng là các hộ gia đình có quy mô sản xuất lớn. Đồng thời, tỉnh cũng cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách một cách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Thực tế ở Cao Phong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng lại không mấy mặn mà vì có quá nhiều vấn đề phải giải quyết.

Cũng giống như ở Cao Phong, hiện nay, huyện Tân Lạc đang phải tập trung "giải bài toán” tiêu thụ cho nhiều loại nông sản. Theo đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện thì: thời gian qua, huyện có nhiều nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó có nhiều loại cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao được người dân tập trung phát triển. Tuy nhiên, do phát triển "nóng” nên diện tích một số loại cây trồng đã phá vỡ quy hoạch của huyện. Ví như cây bưởi, năm 2013 diện tích trồng bưởi của huyện mới chỉ có gần 110 ha thì đến năm 2015 đã tăng lên 558,4 ha. Đến hết năm 2017, diện tích trồng bưởi trên toàn huyện tăng lên gần 1.000 ha. Mặc dù vậy, hiện nay, người dân trong huyện vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi.

Diện tích, sản lượng tăng đã tạo áp lực rất lớn đến thị trường tiêu thụ. Bởi trên thực tế, cây cam, bưởi không chỉ được đầu tư, mở rộng diện tích ở Tân Lạc, Cao Phong mà còn ở nhiều địa phương trong tỉnh và nhiều tỉnh cũng đang đầu tư phát triển. Điều đáng nói là dù có các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nhưng cho đến nay, huyện Tân Lạc chưa có các cơ chế, chính sách về hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Do vậy, trong quy trình sản xuất, tiêu thụ, người dân vẫn phải "tự sản, tự tiêu”, chỉ có một số ít sản phẩm sản xuất tiêu thụ thông qua hợp đồng và liên kết sản xuất thì đảm bảo tiêu thụ với mức giá và thị trường ổn định. "Phát triển "nóng” nhưng không có ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định thì cũng khó có thể nói đến tính chất bền vững đối với các loại cây trồng này. Điều này trước đây chúng ta từng có bài học sâu sắc đối với nhiều loại cây trồng như vải thiều, chanh đào, thanh long ruột đỏ, mía... Nếu không cẩn thận thì tới đây rất có thể là cam, bưởi”, đồng chí Vũ Quang Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để "giải bài toán” tiêu thụ nông sản hiện nay thì người nông dân cũng đóng vai trò rất quan trọng. Theo một cán bộ phòng NN&PTNT huyện Cao Phong, một trong những yếu tố gây ra những khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, nhất là cây mía trên địa bàn huyện là từ phía người dân. Đối với sản phẩm mía, việc tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào tư thương. Tuy nhiên, trong điều kiện đó người dân lại có tâm lý "găm” hàng, chờ giá lên cao mới bán. Do không nắm được quy luật thị trường và nhất là hiện nay, trên thị trường có nhiều sự lựa chọn nên đã tác động đến việc tiêu thụ sản phẩm. Khi cung vượt quá cầu, đương nhiên sẽ gây ra tình trạng dồn ứ, mía không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm và thường bị tư thương ép giá. Thực tế này từng xảy ra ở Cao Phong trong niên vụ 2015 - 2016 khi có hàng chục ha mía thương phẩm không tiêu thụ được buộc người dân phải đốt bỏ. Ngay cả với cây cam trong niên vụ 2017 - 2018 cũng bắt đầu có dấu hiệu tiêu thụ khó khăn hơn, nhiều nhà vườn bị tư thương ép giá...

Trước kinh nghiệm thu hoạch mía lưu vụ những năm trước chậm, khó, vừa qua, UBND huyện Cao Phong đã yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động tiêu thụ, không thụ động chờ giá mà cần đa dạng các hình thức bán và có thể bán mía với giá chấp nhận được để bảo toàn vốn đầu tư, công lao động, hệ số sử dụng đất trên một đơn vị diện tích, không ảnh hưởng đến sản xuất vụ tiếp theo. Còn để "giải bài toán” tiêu thụ nông sản, nói như đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong thì: Nếu cứ hô hào người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất cây trồng, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích nhưng sau đó không có ai đứng ra mua, tiêu thụ sản phẩm thì vô hình chung chúng ta đang làm cho người dân trở nên khó khăn hơn...


Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục