60 năm qua, cùng với cả nước, ngành Xây dựng Hòa Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Hoà Bình giàu đẹp.
Quá trình xây dựng và phát triển của ngành Xây dựng Hòa Bình trải qua 3 giai đoạn (giai đoạn trước năm 1976), giai đoạn hợp nhất tỉnh (từ năm 1976- 1991), giai đoạn từ 1991 đến nay. Dù ở giai đoạn nào, các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động ngành Xây dựng Hòa Bình luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, nhất là những năm gần đây, bám sát sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Xây dựng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn ban đầu về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để xây dựng ngành ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu trong công tác tham mưu cho tỉnh về các lĩnh vực: quản lý quy hoạch - kiến trúc, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của tỉnh.
Đến nay, ngành Xây dựng Hòa Bình đã có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ KH-KT, công nhân đông đảo, lành nghề, đủ sức thiết kế, thẩm định, thi công, kiểm định chất lượng các công trình có quy mô lớn… Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở gồm 7 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 103 công chức, viên chức (trong đó 87 người có trình độ đại học, 6 người có trình độ thạc sỹ) đang khẳng định vai trò, hiệu lực, hiệu quả QLNN về hoạt động xây dựng trên địa bàn, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Lãnh đạo Sở Xây dựng rà soát công tác quy hoạch các đồ án xây dựng trên địa bàn.
Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiều đồ án, quy hoạch xây dựng quan trọng liên quan đến lĩnh vực ngành, làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng và thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh như: Các quy hoạch cấp vùng, các chương trình mang tính chiến lược ngành xây dựng: quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình; quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Sơn gắn với quy hoạch vùng Thủ đô; quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình; quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh; quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình (đang triển khai); quy hoạch cấp nước vùng tỉnh (đang triển khai); quy hoạch dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và quy hoạch các khu công nghiệp đã được lập phê duyệt quy hoạch chi tiết... Đến nay, 10 huyện đã có quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết thị trấn huyện lỵ được phê duyệt... Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác triển khai thực hiện quy hoạch nông thôn mới, góp phần tích cực hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình.
Công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện tốt. Công tác quản lý Nhà nước được củng cố và phát triển. Sở đã xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển nhà ở đô thị tỉnh Hoà Bình đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hoà Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch triển khai thực hiện; Đề án nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn TP Hoà Bình giai đoạn 2012-2030, làm cơ sở cho việc quản lý, phát triển nhà ở và công sở trên địa bàn. Công tác quản lý phát triển đô thị đạt được những kết quả tích cực, từng bước đảm bảo phát triển hệ thống đô thị theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở Xây dựng đã tham mưu lập, thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt, công bố Chương trình phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2013-2020 và giai đoạn 2020-2025. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phục vụ cho việc nâng cấp các đô thị trên địa bàn tỉnh và hoàn thành chỉ tiêu về đô thị hoá đến năm 2020 đạt 25%.
Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật và thiết kế dự toán được thực hiện theo đúng thẩm quyền, đảm bảo chất lượng, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh được quan tâm, chú trọng. Qua đó đã phát huy hiệu quả vốn đầu tư, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện có hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả vốn đầu tư.
Lãnh đạo Sở Xây dựng kiểm tra chất lượng thi công tòa nhà Điện lực tại khu trung tâm Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình).
Công tác quản lý, phát triển vật liệu xây dựng tuân thủ quy hoạch được duyệt, duy trì sự ổn định thị trường các vật liệu xây dựng chủ yếu. Trên địa bàn tỉnh đã có trên 50 cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng và thu hút được 5 nhà đầu tư vào sản xuất xi măng và 1 nhà máy sản xuất vôi, bột nhẹ gồm: Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn, xi măng X18, xi măng Trung Sơn, xi măng Xuân Sơn, Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ của Công ty TNHH Xuân Thiện. Trên địa bàn tỉnh đã có trên 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có đủ điều kiện tham gia hoạt động xây dựng đối với những công trình từ cấp III trở lên. Một số doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để thi công xây dựng công trình cấp II, cấp I đảm bảo chất lượng kỹ, mỹ thuật như: Quảng trường Hoà Bình, nhà làm việc Tỉnh uỷ, nhà làm việc UBND tỉnh, Công an tỉnh…
Là một ngành kinh tế kỹ thuật, ngành Xây dựng Hoà Bình trong quá trình phát triển và trưởng thành đã có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhiều công trình kiến trúc khang trang, đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ, tạo bộ mặt cho đô thị và nông thôn trong tỉnh.
Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, viên chức và người lao động ngành Xây dựng tỉnh Hoà Bình luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, phát huy và khai thác mọi nguồn lực, tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý và năng lực cạnh tranh, tăng cường đầu tư chiều sâu theo hướng hiện đại hoá công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả quản lý, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng ngành lớn mạnh về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, xây dựng quê hương Hòa Bình giàu đẹp và phồn vinh.