(HBĐT) - Đó là khuyến cáo của ngành NN & PTNT tỉnh trong thời điểm lợn hơi có xu hướng đổi chiều, tăng giá. Tính đến ngày 19/4, giá lợn hơi ở mức 40.000 đồng/kg. Theo nhận định của đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đây chỉ là sự tăng giá "ảo” sau thời gian dài thị trường trầm lắng, nhiều khả năng ngay sau đó giá lợn hơi sẽ giảm.


Gánh nợ vì đầu tư chăn nuôi lợn

Câu chuyện này đã và đang xảy ra với các hộ chăn nuôi trong tỉnh khi chỉ trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã chứng kiến nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn rơi vào tình cảnh nợ nần. Nguyên nhân bắt đầu từ trước năm 2016, các hộ chăn nuôi lợn thắng lớn, giá lợn hơi có lúc lên đến 50.000 đồng/kg, trong khi chỉ cần giá khoảng 35.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi.

Anh Tạ Đình Quế, xã Cao Răm (Lương Sơn) có trang trại nuôi lợn nái quy mô đến năm 2017 là 300 con. Tuy nhiên, sau thời gian dài không bán được giống, anh buộc phải rút đàn nái xuống dần 200 con, 140 con và hiện giờ còn 100 con. Điều đáng nói là với số lượng 100 con nái còn lại này, anh cũng chỉ nuôi cầm chừng chờ lúc giá lợn ổn định, nhu cầu mua giống trên thị trường tự do khởi sắc mới dám vỗ, phối trở lại. Khoản nợ ngân hàng mà anh đang gánh sau khi đầu tư chăn nuôi quy mô lớn đến bây giờ đã lên đến con số hơn 2 tỷ đồng.

Tình cảnh của ông Nguyễn Văn Thành, chủ một trại nuôi lợn nái ở xã Dân Hạ (Kỳ Sơn) càng bi đát hơn. Sau vay mượn đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô đàn lợn nái 300 con, con giống làm ra từ chỗ bán giá thấp, bán chậm và cuối cùng là không bán được đã đẩy ông vào tình thế "sống dở, chết dở”. Để "nuôi báo cô” đàn lợn nái này, gia đình ông đã phải bán cả xe ô tô, nợ ngân hàng đã lên đến 4 tỷ đồng.


Hộ chăn nuôi xã Cư Yên (Lương Sơn) điêu đứng vì duy trì chăn nuôi lợn.

Trong tâm thế hăm hở sau khi thắng ở vụ bán lợn dịp cuối năm 2016, anh Bùi Văn Tứ ở xã Tử Nê (Tân Lạc) đầu tư trại nuôi 30 con nái. Chẳng ngờ ngay sau đó, giá lợn rớt thê thảm, lợn giống sản xuất ra lứa đầu bán túc tắc với giá rẻ bằng một nửa. Lứa 2 không bán được con giống nào. Buộc lòng, anh Tứ phải bỏ nái, chuyển sang nuôi lợn thịt nhằm gỡ gạc được đồng nào hay đồng nấy. Anh Tứ rầu lòng cho biết: "Hạch toán năm 2017, gia đình tôi thua lỗ 400 triệu đồng, đấy là công chăm sóc còn chưa tính đếm”.

Vẫn gặp khó tiêu thụ

Năm 2017, bà Phạm Thị Hạnh ở tổ 11, phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình) đầu tư nuôi lợn sạch với số lượng hơn 20 đầu con. Mục đích để cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường và bán dịp Tết được giá. Thế nhưng, lần này sang lần khác, tư thương đến bắt mua chỉ trả giá 40.000 đồng/kg lợn hơi, cao hơn chút đỉnh so với giá chung trên thị trường. Bán cả đàn thì lỗ nặng mà bán cho các hộ có nhu cầu thực phẩm sạch cũng trật trầy. Hiện tại, bà Hạnh còn 5 con lợn sạch thương phẩm, hạch toán đến nay bà lỗ 15 triệu đồng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sau thời gian phát triển "nóng”, thị trường sản phẩm thịt lợn đã dư thừa. Một nguyên nhân quan trọng hơn cả là kể từ khi con đường xuất lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc bị "đóng băng”, chăn nuôi lợn trong nước gặp khó khăn về tiêu thụ. Trước đó, nguồn cung sản phẩm thịt lợn của ta chủ yếu sang nước này. Thông tin mới đây nhất, Trung Quốc vẫn dừng thu mua lợn của Việt Nam. Giá lợn hơi phía nước này hiện tương đương với giá tại thị trường nước ta. Năm 2018, đàn lợn của Trung Quốc sẽ tăng hơn 27 triệu con từ dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Cùng với hàng vạn người chăn nuôi cả nước, người chăn nuôi trong tỉnh đang sản xuất cầm chừng. Chăn nuôi nông hộ chủ yếu lẻ tẻ với số lượng vài ba con. Nhiều trang trại, gia trại sau khi kiệt quệ vì đầu tư chăn nuôi lợn hiện bỏ trống chuồng hoặc thoi thóp duy trì. Duy có chăn nuôi gia công cho các Công ty CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam theo phương thức doanh nghiệp cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu đầu ra là còn ổn định tiêu thụ nhưng việc tiêu thụ cũng đang chậm dần. Nếu như năm 2017 có thời điểm tại trung tâm lợn thịt xuất bán 2.000 con/ngày thì sang 4 tháng đầu năm nay, lượng xuất chuồng giảm còn 500 con/ngày.

Thay lời kết: Sản phẩm chăn nuôi ở mức dư thừa, thị trường tiêu thụ nội địa không xuể. Đây là hiện trạng đang xảy ra và dự báo còn kéo dài trong năm 2018. Người chăn nuôi và cơ quan quản lý e ngại việc giá thịt lợn bất ngờ tăng mạnh mới đây có thể có bàn tay "đưa đẩy” để kích thích thị trường, mức tăng sẽ không bền vững. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi lợn trong tỉnh cần thăm dò, nghe ngóng tín hiệu thị trường, nên thận trọng, cân nhắc đầu tư sản xuất, tái đàn để tránh gặp thất bại, rủi ro.

 

Bùi Minh


Các tin khác


Tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản để thúc đẩy xuất khẩu

(HBĐT) - Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

Quýt “hôi” mở lối thoát nghèo ở Miền Đồi

(HBĐT) - Trước đây, nhắc đến cây quýt "hôi” (hay còn gọi là quýt cổ - PV), người dân xã Miền Đồi (Lạc Sơn) nghĩ ngay đến những vỏ quýt thơm nức, vừa là gia vị trong ẩm thực, vừa là thuốc trị ho cho trẻ nhỏ. Còn giờ đây, với những giá trị kinh tế đem lại, quýt "hôi” đang mở lối cho hành trình xóa đói - giảm nghèo ở mảnh đất vùng cao này.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận xóa nghèo

(HBĐT) - Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ luôn tiên phong trên mọi mặt trận, trong những năm qua, các cấp Hội CCB huyện Lạc Thủy đã vận động hội viên nêu cao ý chí, tinh thần tự lực, phấn đấu giảm nghèo bền vững. Qua đó đã đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH ở địa phương.

Quý I, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 794 tỷ đồng

(HBĐT) - Thực hiện công tác thu hút vốn đầu tư, trong quý I/2018, TP Hòa Bình đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu 11 công trình; phê duyệt hồ sơ mời thầu 1 gói thầu; phê duyệt kết quả đấu thầu 2 gói thầu; thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật 2 công trình và thẩm định chủ trương đầu tư 6 công trình.

Triển vọng từ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ở huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Xác định phát triển nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của huyện, đồng thời để thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình NTM, huyện Kim Bôi đã triển khai thực hiện 3 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua 1 năm thực hiện, các mô hình phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã đạt được những kết quả nhất định.

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài

(HBĐT) - Ngày 20/4, tại UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 -2016 trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc giám sát. Dự cuộc giám sát có đại diện Thường trực và Ban Kinh tế- Ngân sách (HĐND tỉnh), Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành hữu quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục