Theo Bộ Công Thương, năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu với việc lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tính chung cả năm đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Công tác thị trường xuất khẩu đạt kết quả tích cực. Hàng hoá Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển nhiều thị trường mới. Cả năm 2017 có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan toả, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh ta.
Bước sang năm 2018, xuất khẩu của ta đứng trước nhiều cơ hội và cả những thách thức. Đó là, nhu cầu thế giới tiếp tục phục hồi. Theo lộ trình cam kết tại các FTA, thuế nhập khẩu cho các đối tác sẽ tiếp tục được xoá bỏ hoặc cắt giảm tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng của ta. Chính phủ, các Bộ, ngành đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Song song với đó là những rủi ro, thách thức tiềm ẩn như: biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng vào gần đây. Xu hướng bảo hộ đang "trỗi dậy”. Việc áp dụng các tiêu chuẩn về ATTP và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe...
Dưới sự điều phối của Bộ trưởng Bộ Công Thương, các địa phương, các Hiệp Hội lớn như Thủy sản, Dệt may, Da giầy… và một số Bộ, ngành liên quan đã trao đổi, thảo luận, tập trung vào những khó khăn, rào cản, những kiến nghị, đề nghị để tháo gỡ, thúc đẩy xuất khẩu.
Phát biểu kết luận, Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra những rào cản, tồn tại đối với xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, đó là thể chế pháp luật, môi trường cải cách hành chính chưa tốt, chưa thuận lợi; chi phí ở mọi khâu trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu còn cao, tác động đến yếu tố giá thành sản phẩm; năng lực sản xuất trong nước đòi hỏi phải tốt hơn nữa, nghiên cứu kỹ thị trường để sản xuất mặt hàng thị trường cần chứ không phải phải đưa ra mặt hàng mình có. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tuc nghiên cứu, tìm ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu về trước mắt và lâu dài. Quan điểm của Chính phủ là các Bộ, ngành, các địa phương cần thay đổi tư duy chiến lược xuất khẩu. Chủ động, độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế để phát triển thị trường xuất khẩu bền vững. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng. Cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường…
Bùi Minh