Cam V2 chín muộn là một trong những sản phẩm chủ lực mang lại giá trị chuỗi trồng trọt của huyện Cao Phong.
HTX nông nghiệp và dịch vụ Hà Phong chuyên sản xuất, kinh doanh cây ăn quả có múi. HTX có trụ sở giao dịch ở thị trấn Cao Phong, vùng sản xuất cam tại xóm Môn, xã Bắc Phong. Với việc chuyển đổi mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, HTX đã thu hút xã viên, tạo vùng cây hàng hóa lớn, tăng giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, HTX chú trọng vấn đề bao tiêu sản phẩm, tạo dựng và giữ uy tín thương hiệu trên thị trường thông qua việc in, dán tem điện tử thông minh để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết, truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh khác trên lĩnh vực nông nghiệp của huyện cũng được khuyến khích và quan tâm hỗ trợ phát triển như Công ty TNHH MTV Hùng Phong, HTX chanh leo (liên kết với Tập đoàn Nafood)… Hình thức tổ chức sản xuất phát triển nhanh, đa dạng. Toàn huyện có 7 HTX, 12 tổ hợp tác, bước đầu thu hút doanh nghiệp ngoài huyện đầu tư vào nông nghiệp và từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM để lại dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực trồng trọt với việc huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi toàn diện các loại cây trồng, cả về quy mô diện tích, loại giống, biện pháp kỹ thuật và công nghệ mới. Đơn cử như cây cam, cho đến thời điểm này đã đạt 2.835,6 ha, tăng hơn 2,5 lần diện tích so với năm 2013. Niên vụ 2017 - 2018, sản lượng cam toàn huyện đạt 33.000 tấn, giá cả tiếp tục duy trì ổn định. Mía cũng là 1 trong 2 loại cây chủ lực có diện tích trên 2.700 ha, giá trị bình quân 200 triệu đồng/ha. Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch được nhân dân tích cực áp dụng, góp phần giảm tổn thất cho các sản phẩm nông sản. Huyện đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, canh tác tiêu chuẩn hữu cơ Organic đối với cây cam đặc sản.
Song song với phát triển, nâng cao giá trị hàng hóa, hạ tầng sản xuất được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng các tiêu chí NTM. Kể từ năm 2013 đến nay, huyện đã xây mới khoảng 4.000 m kênh mương bằng nguồn vốn Chương trình 135 và các nguồn vốn lồng ghép khác. Công tác quản lý, điều tiết nước phục vụ sản xuất kết hợp nuôi trồng thủy sản tăng thu nhập được thực hiện tốt. Nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi phát động vào tháng 4 và tháng 11 hàng năm với tổng ngày công huy động trên 10.000 ngày công/đợt.
Đồng chí Bùi Văn Đồng, Phó phòng NN & PTNT huyện cho biết: Các giải pháp đã và đang được địa phương đẩy mạnh trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đồng thời huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thiết yếu các khu chế biến nông, lâm sản, ưu tiên vào các dự án phát triển nông nghiệp. Khuyến khích mạnh mẽ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất thông qua doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa, phát triển kinh tế hợp tác. Thực hiện tốt việc khảo sát dự báo thị trường để khuyến cáo các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường, xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, liên doanh, liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Toàn huyện hiện có 4 xã NTM là Dũng Phong, Nam Phong, Thu Phong và Đông Phong. Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ, xây dựng các chuỗi giá trị, bình quân thu nhập đầu người năm 2017 của huyện đạt 41,5 triệu đồng.
Bùi Minh