Từ các mô hình kinh tế, lợi nhuận năm 2017 của hội viên Bùi Văn Tính, xóm Bãi Mu, xã Kim Truy (Kim Bôi) đạt trên 200 triệu đồng. ảnh: Hội viên Bùi Văn Tính, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm.
Cùng đoàn công tác, chúng tôi đến thăm gia đình ông Bùi Văn Tính ở xóm Bãi Mu, hội viên nông dân tiêu biểu nhiều năm liền được nhận giấy khen của UBND huyện Kim Bôi vì có thành tích trong SX-KD. Hiện nay, ông Tính phát triển đa dạng các mô hình kinh tế như trồng mía tím (0,5 ha), bí xanh (0,5 ha) và duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng 300 con. Với hình thức "lấy ngắn nuôi dài”, thu nhập từ các sản phẩm ngắn ngày giúp gia đình ông có nguồn vốn ổn định để xoay vòng và trang trải cuộc sống. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật và tiến bộ khoa học vào quá trình sản xuất nên sản phẩm của gia đình ông Tính luôn được các thương lái trong và ngoài huyện lựa chọn thu mua. Năm 2017, lợi nhuận của gia đình sau khi trừ chi phí đạt trên 200 triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tính cho biết: Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng tôi luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi để xây dựng các mô hình kinh tế mới để cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh nguồn vốn ổn định, hàng năm, chúng tôi tham gia từ 3- 4 buổi tập huấn kỹ thuật do các ban ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với hội viên nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự kiến năm 2018, lợi nhuận từ các mô hình kinh tế cao hơn do giá thành các sản phẩm đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá lợn đã ổn định trở lại ở mức 48.000 đồng/kg, gà 100.000 đồng/kg, mía 5.000 đồng/cây…
Khó khăn lớn nhất đối với hội viên nông dân khi bắt tay vào phát triển và xây dựng các mô hình kinh tế là nguồn vốn. Để giải quyết vấn đề này, Hội Nông dân xã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện quản lý 6 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 5,5 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 319 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, hội viên nông dân đã quyên góp, ủng hộ xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân được trên 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, nhiều hội viên đã sử dụng hiệu quả phát triển các mô hình trồng cây ăn quả có múi, dưa chuột, bí xanh; chăn nuôi trâu, bò sinh sản…
Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm chính điều hội viên nông dân trăn trở, lo lắng. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm của người dân làm ra đều được tiêu thụ tại các chợ đầu mối trên địa bàn huyện hoặc được thương lái thu mua tại vườn. Sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu nên không thu hút các công ty liên kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt. Trên địa bàn chưa xây dựng được các trang trại, xí nghiệp do hội viên nông dân làm chủ.
Đồng chí Bùi Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Truy cho biết: Trong thời gian tới, Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên năng động, sáng tạo, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, Hội mong muốn các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ về kỹ thuật, cây, con giống chất lượng cao để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành. Tạo điều kiện cho người dân được giao lưu, học hỏi và xây dựng các mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua đó, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho hội viên, thúc đẩy phát triển KT- XH xã.
Đức Anh