Công nhân Điện lực Mai Châu xử lý sự cố đứt dây hạ thế TBA xóm Mó Rút, xã Tân Mai.
Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Hòa Bình, toàn tỉnh có 138 TBA bị sự cố lưới điện, nghiêm trọng nhất ở huyện Đà Bắc, tiếp đó là các huyện: Mai Châu, Kim Bôi và TP Hòa Bình. Thiệt hại về lưới điện khá nặng nề, tương đương 4 tỷ đồng, chủ yếu là sự cố đổ cột điện, lũ cuốn mất hệ thống đường dây tải điện.
Đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết: Đối với các TBA xảy ra sự cố, lực lượng xung kích luôn có mặt kịp thời giải quyết khắc phục và cấp lại điện cho người dân đảm bảo trong vòng 8 giờ đồng hồ. Duy có 14 trạm thuộc khu vực Mường Chiềng do tình trạng mưa lũ cắt các nhánh đường giao thông nên phải chờ tiếp cận được và xử lý nhằm phục vụ điện lại cho hơn 1.000 khách hàng. Một sự cố khác là do sạt lở đã gây mất điện tại tổ 25, phường Đồng Tiến và tổ 17 phường Chăm Mát. Ngành điện đã phối hợp cùng UBND thành phố Hòa Bình, các sở, ngành liên quan tạm cắt nguồn điện có nguy cơ bị đe dọa sạt lở gây ảnh hưởng tới công tác cứu hộ. Đồng thời, chỉ đạo các Điện lực trực thuộc rà soát các điểm xung yếu, khu vực nào cần xử lý nguy cơ sẽ tiến hành gia công kiên cố ngay. Đối với những vùng giao thông bị mưa lũ chia cắt, chưa thuận lợi thì triển khai kịp thời phương án cấp điện tạm thời cho khách hàng.
Trước đó để đảm bảo xử lý tốt vấn đề chống quá tải dịp nắng nóng mùa hè, Điện lực Hòa Bình đã rà soát nâng công suất các MBA, luân chuyển các MBA cho những chỗ non tải, quá tải. Nhờ vậy, mặc dù đợt nắng nóng gay gắt cao điểm đầu tháng 7 có cục bộ quá tải ở một số điểm, cụ thể bị nhảy automat thiết bị đóng cắt các TBA phân phối nhưng sự cố không nhiều và được khắc phục kịp thời ngay khi người dân báo. Việc cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân tương đối ổn định. Vào những ngày nắng nóng với nền nhiệt độ 36oC trở lên, các Điện lực không cắt điện để làm việc theo kế hoạch mà tuân thủ theo dự báo.
Đan xen với nắng nóng là diễn biến mưa bão sẽ còn phức tạp, kéo dài. Ngành điện đang duy trì và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”, thành lập Ban chỉ huy PCTT & TKCN, thành lập đội xung kích của đơn vị khi có sự cố sẽ triển khai ngay phương án. Về vật tư đã sẵn sàng các máy biến áp, dây dẫn, cột điện, các thiết bị đáp ứng giải quyết sự cố. Với các Điện lực huyện, thành phố tập trung chỉ đạo lực lượng ứng trực, có phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo thời gian trực 24/24h trong suốt mùa mưa bão.
Việc khắc phục sự cố điện được xác định ưu tiên hàng đầu trong mùa mưa bão, đồng thời quán triệt đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, công tác an toàn lao động. Đặc biệt, cán bộ, nhân viên ngành điện khi xử lý sự cố phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động, nhất là mặc áo phao ở chỗ sông suối. Việc phản ánh cấp điện hỗ trợ, phương thức cấp điện hỗ trợ từ huyện nọ sang huyện kia, hỗ trợ nhân lực, phương tiện xử lý đều có sự chỉ đạo từ Ban Chỉ huy PCTT & TKCN của công ty điều phối đảm bảo khắc phục sự cố điện nhanh nhất và có hiệu quả.
Bùi Minh