Doanh nhân Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP 26/3 Hòa Bình đề nghị xem xét lại công tác phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh tại hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, tháng 6/2018.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đại diện các doanh nghiệp tham gia chương trình đối thoại không nhiều (tập trung ở vài doanh nghiệp lớn đã gắn bó lâu dài với tỉnh). Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang nêu rõ quan điểm: Dù chỉ vài doanh nghiệp tham gia, UBND tỉnh vẫn tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ. Bởi đây là dịp để lắng nghe những phản hồi từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó thấy rõ những gì tỉnh đã làm được, những gì còn phải tiếp tục cố gắng để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Được biết, trong năm 2017, UBND tỉnh đã chủ trì, tổ chức 3 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn vào tháng 4, tháng 7 và tháng 11. Tại hội nghị đối thoại tháng 4/2017, đã có 71 lượt ý kiến đề xuất của doanh nghiệp gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành. Theo đó có 16 lượt ý kiến được trả lời trực tiếp tại hội nghị, 55 ý kiến khác được trả lời đầy đủ bằng văn bản.
Hội nghị đối thoại tháng 7/2017 có 22 lượt ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Có 20 lượt ý kiến được trả lời trực tiếp và 2 ý kiến được trả lời bằng văn bản. Hội nghị tháng 11/2017, có 16 lượt ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó, 9 lượt ý kiến được trả lời tại hội nghị và 7 lượt ý kiến được trả lời bằng văn bản. Cơ bản các đề xuất, kiến nghị đã được giải quyết thấu đáo. Ví như kiến nghị của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam liên quan đến thủ tục 1, 2 ha đất mở rộng để thực hiện Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi tại xã Dân Hù, huyện Kỳ Sơn đã được UBND tỉnh nghiên cứu, ban hành Quyết định số 1213, ngày 21/5/2018 về việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất để công ty này được thuê đất xây dựng nhà máy.
Ngày 10/4/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 901 về việc cho công ty TNHH Almine Việt Nam thuê đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở cho công nhân theo đề xuất của công ty. Những đề xuất về xây dựng nhà ở và quy hoạch chợ cho công nhân ở Khu công nghiệp Lương Sơn cũng đã được xử lý kịp thời. Cụ thể, ngày 8/5/2017, Ban quản lý các khu công nghiệp đã tổ chức làm việc với các cơ quan gồm: Sở Xây dựng, UBND huyện Lương Sơn và công ty Bất động sản An Thịnh Hòa Bình về giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân. Hội nghị đã thống nhất: Quản lý KCN chủ trì, thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu nhà ở của công nhân trong KCN Lương Sơn làm cơ sở xây dựng nhà ở phù hợp với yêu cầu thực tế. Công ty CP bất động sản An Thịnh Hòa Bình đã xây dựng thiết kế mẫu và dự kiến mức giá bán, cho thuê, thu mua đối với các căn hộ thuộc dự án nhà ở công nhân, đồng thời khảo sát nhu cầu thực tế của công nhân. Hiện tại, KCN Lương Sơn có hơn 10.000 công nhân, trong đó hơn 2.000 công nhân thuê trọ tại khu vực xung quanh KCN, nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu và thực phẩm của công nhân khá lớn. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp, UBND huyện Lương Sơn đã đề xuất UBND tỉnh cho phép quy hoạch, xây chợ phục vụ nhu cầu của công nhân KCN. Quy mô xây dựng chợ hạng 3 với 150 điểm kinh doanh, hệ thống hạ tầng chợ theo tiêu chuẩn xây dựng hiện hành…
Thực hiện Kế hoạch số 62, ngày 9/5/2018 của UBND tỉnh về việc tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, Sở Kế hoạch &Đầu tư đã tiến hành khảo sát vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính và sản xuất những tháng đầu năm 2018. Theo đó đã nhận được phiếu phản hồi của 29/438 doanh nghiệp, nhà đầu tư được gửi phiếu khảo sát. Trong đó 14 doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ giải quyết. Cụ thể như: Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh, khu 3, thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) đề nghị hướng dẫn thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền thuê mặt nước nuôi cá trên khu vực lòng hồ Hòa Bình. Công ty TNHH xi măng Vĩnh Sơn, địa chỉ xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn đề nghị cho doanh nghiệp được quan trắc môi trường 2 lần /năm (thay vì 4 lần /năm theo quy định hiện hành); lãi xuất cho vay tại Hòa Bình khá cao so với mặt bằng chung, đề nghị các ngân hàng có mức lãi xuất phù hợp để doanh nghiệp có thể tiếp cận.
Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Tây Hà Nội kiến nghị: Khi dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đề nghị Sở Xây dựng bổ sung vào dự án quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng để doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục có liên quan sớm hơn. Công ty cổ phần Thanh út, phường Thịnh Lang - TP Hòa Bình đề nghị hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng Dự án khu du lịch và dịch vụ vườn hoa cây cảnh…
Qua nắm bắt thông tin về những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo: Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nên chủ động gặp gỡ, trao đổi với giám đốc các sở, ngành của tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (không chỉ chờ một năm 2-3 cuộc đối thoại định kỳ). Giám đốc các sở, ngành bố trí các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc theo đề xuất của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, lắng nghe và xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh để thực hiện phương châm "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” vì mục tiêu tạo sức bật cho KT -XH tỉnh nhà.
Thúy Hằng