(HBĐT) - Lợn bản địa là một trong những con vật nuôi đặc sản của huyện vùng cao Đà Bắc. Tuy nhiên trước đây, việc chăn nuôi trong dân quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng các quy trình khoa học kỹ thuật và phần lớn phục vụ trong gia đình.


Hộ chăn nuôi xã Mường Chiềng (Đà Bắc) quản lý đàn lợn bản địa tại chuồng để kiểm soát dịch bệnh.

Năm 2015, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổ chức Jica - Nhật Bản đã phối hợp khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn Đà Bắc là địa phương thực hiện Dự án "Thành lập ngân hàng gen đông lạnh cho các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi lợn bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học”. Dự án nhằm bảo tồn nguồn gen quý, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao đời sống của người chăn nuôi.

Với trên 16.000 con, đàn lợn bản địa trên địa bàn huyện chiếm hơn 50% tổng đàn toàn tỉnh. Hộ chăn nuôi giống lợn bản địa chủ yếu là đồng bào vùng cao các dân tộc Mường, Dao. Có một thực tế là thói quen nuôi lợn bản địa thả rông phổ biến dẫn đến tình trạng không kiểm soát được dịch bệnh. Thêm vào đó, nguy cơ bị mất giống do sự lai tạp, giao thoa giữa các giống lợn khác, chất lượng giống cận huyết, đồng huyết, việc giảm số lượng lợn bản địa thuần vào thời điểm khảo sát trước năm 2014 đã ở mức báo động. Một trong những mục tiêu Dự án hướng tới là tạo chuyển biến, thay đổi phương thức chăn nuôi lạc hậu sang chăn nuôi có sự quản lý.

Tại 6 xã chọn thực hiện gồm: Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Cao Sơn, Đoàn Kết và Hiền Lương, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch bệnh cho lợn bản địa cho đội ngũ thú y viên các xã nhằm hỗ trợ hộ nuôi được tích cực triển khai. Đặc biệt, tại mỗi xã đã hình thành 1 tổ hợp tác chăn nuôi lợn bản địa. Kể từ tháng 4/2018, Dự án thực hiện việc hỗ trợ bước đầu đối với hoạt động của các tổ hợp tác. Cụ thể đã hỗ trợ mua và bàn giao trực tiếp lợn nái, lợn đực giống cho 90 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ được 2 lợn nái, mỗi tổ hợp tác được 1 lợn đực giống. Số lợn bàn giao được mua tại các hộ chăn nuôi lợn bản địa trên địa bàn, có sự đánh giá chọn lựa kỹ lưỡng và ở độ tuổi sẵn sàng chờ phối, tình trạng khi bàn giao khỏe mạnh, không bệnh tật, đạt tiêu chuẩn làm con giống.

Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ cám, vật tư phục vụ công tác chăn nuôi và thú y với mức hỗ trợ 40 kg cám /lợn nái, lợn đực, bộ dụng cụ chăn nuôi và thú y gồm xi lanh, panh thẳng, panh cong, kim tiêm, hộp đựng xi lanh, thẻ tai, kìm bấm thẻ tai, bút viết thẻ tai, phích bảo quản vắc xin, máy phun động cơ, bình bảo ôn lạnh, thuốc sát trùng. Hỗ trợ tiêm phòng vắc xin các bệnh tụ huyết trùng, LMLM, tai xanh, lép tô cho đàn lợn của 90 hộ tham gia mô hình nhằm đảm bảo công tác phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

ông Đinh Văn Tiên, hộ chăn nuôi xóm Rằng, tổ trưởng tổ hợp tác Cao Sơn cho biết: Thông qua hỗ trợ, hộ chăn nuôi ở các tổ hợp tác yên tâm, phấn khởi triển khai thực hiện mô hình. Nhờ được tư vấn, hướng dẫn và tập huấn kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ, số lợn nuôi trong mô hình phát triển khỏe mạnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng khi tới đây đến kỳ xuất bán ra thị trường hàng hóa.

Mới đây, với tiền đề là các tổ hợp tác chăn nuôi lợn bản địa ở 6 xã vùng Dự án cùng sự hỗ trợ và khích lệ từ phía Dự án, HTX sản xuất và tiêu thụ lợn đen bản địa Đà Bắc đã chính thức thành lập, tạo bước phát triển thị trường. HTX đã tập hợp, thu hút 90 thành viên tham gia sinh hoạt theo điều lệ chung và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ.

Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Các hộ thành viên HTX có nhận thức tốt về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, tận dụng các điều kiện sẵn có để phát triển. Với sự ra đời của HTX bước đầu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường. Nguồn cung tiêu thụ lợn bản địa hiện nay qua khảo sát mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. HTX đang xây dựng được 1 đầu mối tiêu thụ với nhu cầu khoảng 30 con lợn thương phẩm /tuần mang về thị trường Hà Nội. Vấn đề đặt ra hiện nay là người chăn nuôi lợn bản địa phải duy trì được chất lượng sản phẩm trong điều kiện nhu cầu của thị trường về thực phẩm sạch ngày càng cao. Đây cũng là những lưu ý đối với HTX sản xuất và tiêu thụ lợn đen bản địa Đà Bắc nhằm đảm bảo giá trị sản phẩm, tạo nguồn thực phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng và phát triển thương hiệu lợn bản địa Đà Bắc.

                                                                                            Bùi Minh


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục