(HBĐT) - Trồng rau theo tiêu chuẩn quốc tế, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học đang là hướng đi bền vững cho nhiều hộ nông dân ở huyện Lương Sơn, cho thu nhập cao và ổn định hơn. Sau gần chục năm phát triển, nhãn hiệu rau quả hữu cơ Lương Sơn đã thân thuộc với người tiêu dùng Hòa Bình, Hà Nội. Với hơn 22 ha sản xuất, sản lượng hơn 200 tấn rau, quả mỗi năm, Lương Sơn trở thành địa phương có diện tích rau hữu cơ lớn nhất tỉnh.
Nông dân xã Hợp Hòa (Lương Sơn)
trồng rau hữu cơ bảo đảm yêu cầu vệ sinh
an toàn thực phẩm.
Chúng tôi tìm đến vườn rau hữu cơ
quy mô 8 ha của HTX Trại Hòa, xã Hợp Hòa (Lương Sơn). ấn tượng đầu tiên là màu xanh mướt của rau, không khí
trong lành. Chị Hoàng Thị Long, Giám đốc
HTX hữu cơ Trại Hòa cho biết:
Để có được vườn rau xanh mướt đảm
bảo chất lượng ATTP phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ khu vực Hòa Bình và Hà
Nội, ngoài việc lựa chọn giống, trồng rau theo phương pháp hữu cơ tự nhiên,
người nông dân còn phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường,
vệ sinh ATTP và đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: Không trồng
trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; không thuốc diệt cỏ; không sử dụng
thuốc trừ sâu; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc kích thích
tăng trưởng; không sử dụng giống biến đổi gien.
Bà Bùi Thị Sinh - xã viên HTX nông sản hữu cơ
xóm Trại Hòa chia sẻ: "Sản xuất rau hữu cơ vừa an toàn cho sức khỏe người trồng
hái, vừa đảm bảo môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, tiết kiệm chi phí sản
xuất, trong khi đó giá bán lại cao hơn các loại rau thông thường 30%, thu nhập
hơn 200.000 đồng đồng/ngày. Hiện nay, HTX có 61 thành viên tham gia, thu nhập
bình quân đạt 4-5 triệu/người/tháng, cao hơn hẳn so với trồng lúa. Không chỉ ở HTX Trại Hòa mà tại các xã Nhuận
Trạch, Thành Lập, Cư Yên, thị trấn Lương Sơn, nhờ trồng rau mà đời sống của
người dân được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, Lương Sơn đã thành lập được 26 nhóm
sản xuất rau hữu cơ và 4 HTX rau an toàn với trên 210 thành viên tham gia.
Tham gia mô hình trồng rau hữu cơ với 800 m² đất sản
xuất, bà Hoàng Thị Huy, xóm Đồng Sương, xã Thành Lập cho biết: "Mỗi năm gia
đình tôi có thu nhập hơn trăm triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng rau truyền
thống trước kia. Để trừ sâu, tôi dùng rượu ngâm với tỏi, ớt, gừng bỏ trong tủ
khi nào cần thì mang ra dùng. Mỗi thửa rau ở đây đều trồng hoa cúc vạn thọ nhằm
xua đuổi các loại sâu bệnh có hại cho rau”.
Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng liên nhóm sản xuất hữu
cơ huyện Lương Sơn Phùng Thị Lan cho biết: Từ cuối năm 2008, với sự hỗ trợ của
Dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NN & PTNT Bắc Bộ (Xuân Mai - Hà
Nội), huyện đã triển khai Dự án trồng rau hữu cơ tại các xã: Hòa Sơn, Nhuận
Trạch, Hợp Hòa, Thành Lập, Cư Yên, Tân Vinh và thị trấn Lương Sơn với ý nghĩa
ban đầu nhằm tạo thêm sinh kế cho phụ nữ nghèo. Tròn 10 năm kiên trì phát
triển, đến nay trở thành mô hình tiêu
biểu cho toàn huyện trong việc tạo ra những sản phẩm rau chất lượng cao mà
không tác động xấu đến môi trường, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với huyện
trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông
dân; hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo chuỗi, cung cấp cho thị
trường những sản phẩm nông sản an toàn.
Để có những sản phẩm rau, quả hữu cơ bảo đảm theo đúng
quy trình, người trồng rau Lương Sơn phải tham gia lớp tập huấn 3 tháng về kỹ
thuật, được cấp giấy chứng nhận trồng rau hữu cơ (tính từ năm 2008 đến tháng
6/2018 đã có 1.750 nông dân được đào tạo và được cấp chứng chỉ).
Khác với phương thức trồng rau thông thường, đất trồng
rau hữu cơ được quy hoạch thành vùng, xét nghiệm đảm bảo không nhiễm các chất
độc hại, có vùng đệm để tránh xâm nhiễm từ bên ngoài.
Kể từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH & CN) cấp
giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Quả lặc lày và rau quả hữu cơ” cho
Hội Nông dân huyện Lương Sơn từ cuối năm 2014; năm 2016 vượt qua 650 sản phẩm
nông nghiệp, rau hữu cơ Lương Sơn đã trở thành 1 trong số 79 thương hiệu, sản
phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, thương hiệu nổi tiếng được trao danh hiệu
"Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2016”; được nhận giấy chứng nhận
"Cúp vàng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ "vì sức khỏe cộng đồng” được
tôn vinh "sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016” và có mặt trong chuỗi sản
phẩm an toàn thực phẩm "Thực phẩm xanh, nông sản sạch”. Đó là những dấu ấn đầy
thuyết phục cho thấy sản phẩm rau hữu cơ do nông dân huyện Lương Sơn sản xuất
đang có được bước tiến dài về chất trong hành trình hướng ra thị trường lớn.
Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau quả hữu cơ Lương
Sơn được mở rộng hơn 22 ha, trong đó diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu
chuẩn quốc tế khoảng 12 ha. Trung bình mỗi tháng, cung cấp ra thị trường khoảng
16 tấn rau, quả hữu cơ an toàn, chất lượng cao. Phần lớn rau, quả hữu cơ Lương
Sơn được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính
là Công ty VinaGap, Công ty Tràng An và Công ty Tâm Đạt, doanh thu đạt 3,4 tỷ
đồng/năm.
Lương Sơn phấn đấu đến năm 2019, toàn huyện sẽ mở rộng
diện tích rau, quả hữu cơ lên 60 ha. Hiện tại, huyện đang tạo mọi điều kiện để
nhân dân mở rộng diện tích rau, quả hữu cơ bằng việc thực hiện hỗ trợ một số
HTX các phần việc như: dồn điền đổi thửa; thực hiện thỏa thuận thuê đất; tập
trung diện tích sản xuất trong HTX sản xuất rau, khuyến khích hỗ trợ HTX tìm
kiếm các doanh nghiệp, nhà đầu tư, liên kết sản xuất theo hình thức chuỗi sản
xuất; tiếp tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau hữu cơ của huyện, hướng
đến cung cấp cho thị trường những nông sản an toàn và chất lượng cao, xây dựng
thương hiệu rau hữu cơ Lương Sơn phát triển bền vững.
(Đài Lương Sơn)
(HBĐT) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) mới đạt được 11/19 tiêu chí.
(HBĐT) - Huyện Cao Phong có nhiều sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như mía, cam. Để nâng cao uy tín, giá trị nông sản, đồng thời xây dựng chuỗi giá trị theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả và bền vững, một trong những giải pháp được huyện chú trọng trong những năm gần đây là đảm bảo ATTP trong nông nghiệp.
(HBĐT) - Chúng tôi cảm nhận được sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế tích cực từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ khi đến thăm làng nghề gỗ lũa và đá cảnh Lâm Sơn (Lương Sơn) vào đầu tháng 9. Làng nghề nằm dọc QL 6, trên địa bàn xóm Đoàn Kết, cách không xa trụ sở UBND xã Lâm Sơn. Nhiều sản phẩm đồ mỹ nghệ thủ công, đá cảnh đẹp, ấn tượng được trưng bày tại các cơ sở sản xuất. Các cơ sở làm nghề hoạt động khá sôi động. Nhiều khách bộ hành, khách thăm quan tìm hiểu, chiêm ngưỡng sản phẩm đồ mỹ nghệ của làng nghề. Các nghệ nhân, thợ lành nghề miệt mài lao động sáng tạo những sản phẩm riêng có từ nguyên liệu gỗ, đá cảnh ở địa phương và các vùng, miền chuyển về.
(HBĐT) - Trong khuôn khổ các hoạt động xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp cam đảm bảo ATTP, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã thực hiện 3 cuộc hướng dẫn, tư vấn đối với HTX Nhật Minh và 16 hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp cam đảm bảo ATTP tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong). Nội dung tư vấn, hướng dẫn dựa trên các đầu mục quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11892 - 1:2017.
(HBĐT) - Khi mới triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Lạc Thủy gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Sau đó, huyện đã thay đổi cách làm, không thực hiện dàn trải mà ưu tiên tập trung cho những xã có điều kiện về đích sớm. Ban chỉ đạo huyện làm việc với từng xã, rà soát, đánh giá từng tiêu chí cũng như phương án tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, đồng thời đẩy mạnh đấu giá đất, kêu gọi xã hội hóa để có nguồn lực...
(HBĐT) - Theo NHNN tỉnh, tổng nguồn vốn của các NH, TCTD trên địa bàn tính đến hết quý III đạt gần 22.450 tỷ đồng, tăng 10,9% so với 31/12/2017. Bao gồm, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 14.815 tỷ đồng, tăng 1.466 tỷ (tương đương 11%), ước thực hiện đến 30/9 tăng 12,5% so với cuối năm 2017, đáp ứng 73,8% tỷ trọng vốn đầu tư cho vay, trong đó vốn huy động trên 12 tháng chiếm 33% nguồn vốn huy động.