Cán bội Hội LHPN xã Thống Nhất trao đổi với Hội phụ nữ cơ sở phương pháp tuyên truyền hội viên thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế.
Trước đây, chị Bùi Thị Hà, xóm Hạ Sơn, xã Thống Nhất cũng khởi nghiệp từ những khó khăn. Dù quanh năm lao động vất vả nhưng thu nhập vẫn chỉ tạm đủ ăn, không có tích luỹ. Được Hội Phụ nữ xã quan tâm, chị Hà được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KH-KT trong chăn nuôi, trồng trọt; được thăm quan các mô hình kinh tế tiêu biểu tại các địa phương, chị Hà cùng chồng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng nhãn, vải, mít thái, na. Cùng với đó, chị kết hợp nấu rượu với chăn nuôi lợn, gà. Sự cần cù, chăm chỉ, ham học hỏi và mạnh dạn trong chuyển đổi mô hình kinh tế đã giúp gia đình chị Hà ngày một ổn định và phát triển.
Chị Bàn Thị Bích Phượng, xóm Đậu Khụ cũng là một gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình từ mô hình trang trại. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, chị Phượng còn nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, hàng xóm, đặc biệt là tổ chức Hội Phụ nữ đã giúp chị tiếp cận kiến thức khoa học, kỹ thuật và cơ hội để gia đình đi học tập mô hình phát triển kinh tế giỏi…Từ đó, chị đã thực hiện thành công mô hình của gia đình, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Thống Nhất cho biết: Cùng với Chị Hà, chị Phượng, trong những năm gần đây, đã có nhiều chị em hội viên, phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ, tăng năng xuất. Hội LHPN xã đã tích cực tuyên truyền, cổ vũ, động viên để phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế ngày một hiệu quả hơn. Các xóm: Đồng Gạo, Đồng Chụa, Đậu Khụ là những xóm có nhiều gương phụ nữ tiêu biểu, thực hiện tốt phong trào này.
Để hoạt động sản xuất kinh tế hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Vì vậy, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế luôn được Hội tập trung chỉ đạo. Hàng năm, Hội rà soát số lượng phụ nữ nghèo và hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ, đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ và điều kiện của Hội như: phối hợp hỗ trợ chị em vay vốn, giúp cây giống, con giống, ngày công lao động, tranh thủ khai thác và quản lý chặt chẽ các nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT, các nguồn huy động từ đóng góp tiết kiệm của hội viên phụ nữ, từ nguồn phân bổ các chương trình vay vốn… Đến nay, 100% các chi, tổ hội thành lập nhóm phụ nữ tiết kiệm xoay vòng với số tiền (tính đến tháng 9/2018) là trên 90 triệu đồng, cho 15 lượt hội viên vay. Hội Phụ nữ xã còn quản lý 5 tổ vay vốn và tiết kiệm từ ngân hàng CSXH tỉnh với tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng, cho 137 hộ vay...
Song song với việc hỗ trợ vốn, Hội phối hợp với Trạm khuyến nông - khuyến lâm và Trung tâm khuyến khích phát triển kinh tế thành phố Hoà Bình tổ chức các lớp chuyển giao KH – KT về phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn trồng rau an toàn và được đông đảo hội viên hưởng ứng.
Ngoài việc giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ xã còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên các chị em thuộc diện chính sách, khuyết tật, ốm đau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; thực hiện tốt cuộc vận động "5 không, 3 sạch”. Bên cạnh đó, các hội viên tích cực góp sức, góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự đồng lòng, Hội phụ nữ xã đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định, đời sống kinh tế của chị em từng bước đi lên, góp phần nâng cao thu nhập bình quân của xã.
Trong thời gian tới, Hội tiếp tục phát huy phong trào, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để các hội viên lao động sản xuất góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT -XH và xây dựng nông thôn mới.
Hồng Duyên