Theo lộ trình đề ra, xã Lạc Long đăng ký về đích nông thôn mới năm 2017 và đã hoàn thành 19 tiêu chí. Thôn Tay Ngai được lãnh đạo xã đánh giá là thôn tiêu biểu nhất trong thực hiện xây dựng nông thôn mới với nhiều đóng góp của nhân dân. Thôn hiện có 98 hộ với 353 nhân khẩu, trước năm 2011, khi chưa thực hiện chương trình, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đồng chí Lê Văn Hoàn, Bí thư chi bộ thôn Tay Ngai chia sẻ: "Trước năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn ở mức 13%, thu nhập bình quân đầu người thấp, đạt 15 triệu đồng/năm. Mới có 20% đường giao thông của thôn được cứng hóa, hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa, nhà văn hóa thiếu sân thể thao cho nhân dân sử dụng... Do xuất phát điểm thấp nên việc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới của thôn còn nhiều hạn chế, nhất là việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân để cùng chung sức thực hiện”.
Tham gia xây dựng nông thôn mới, người dân thôn Tay Ngai, xã Lạc Long (Lạc Thủy) đóng góp hơn 20 triệu đồng xây dựng cổng làng.
Trước khó khăn đó, Ban quản lý thôn đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức như lồng ghép trong các cuộc họp dân, thông qua loa truyền thanh, niêm yết các văn bản cần thiết tại nhà văn hóa thôn để thông báo công khai các mục tiêu, kế hoạch thực hiện các công trình xây dựng cơ bản cho nhân dân được biết, được bàn bạc, được kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Ngoài ra, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền mặt, ngày công lao động cho những công trình mà người dân được hưởng lợi trực tiếp. Điển hình như 19 hộ hiến hơn 2.500 m2 đất làm đường giao thông nông thôn và nội đồng; người dân đóng góp hơn 20 triệu đồng triền mặt xây dựng công trình cổng làng; đóng góp 6 triệu đồng san lấp trục đường thôn và gần 23 triệu đồng làm sân bê tông nhà văn hóa...
Nhằm nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn, người dân đã thực hiện chuyển đổi diện tích trồng chè kém hiệu quả sang trồng cây có múi với 40 ha cam, bưởi. Đồng thời, duy trì song song 15 ha trồng chè shan tuyết, 39 ha lúa nước. Đặc biệt, trong dồn điền, đổi thửa, trước đây mỗi hộ trong thôn có từ 9 - 10 thửa ruộng gây hạn chế nhất định trong quá trình canh tác bởi sự manh mún, nhỏ lẻ. Thôn Tay Ngai được chọn làm điểm của huyện về dồn điền, đổi thửa. Để người dân nắm được chủ trương, xóm đã tổ chức họp bàn thông báo đến nhân dân và áp dụng cách làm sáng tạo. Cụ thể, ưu tiên các gia đình chính sách được chọn thửa trước, số hộ còn lại thực hiện bốc thăm để nhận thửa đảm bảo công bằng, khách quan, dân chủ. Theo đó, 100% hộ dân trong thôn nhất trí và hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa năm 2014, rút xuống mỗi hộ còn từ 4 - 5 thửa. Sở dĩ mỗi hộ còn 4 - 5 thửa chứ không phải 1-2 thửa như nhiều vùng khác bởi đặc thù thôn chủ yếu là ruộng bậc thang. Từ khi dồn đổi thành công, bà con phấn khởi canh tác trên thửa đất mới và thuận tiện cho việc áp dụng KH-KT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Nhờ đó, đến nay thu nhập bình quân đầu người của thôn tăng lên 35 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,1%; tỷ lệ cứng hóa giao thông nông thôn đạt 100%; hệ thống giao thông nội đồng thuận tiện cho các phương tiện cơ giới hóa sản xuất đạt 90%, trong đó, có 30% đã cứng hóa; nhà văn hóa thôn được nâng cấp với tường bao và sân thể thao rộng 1.000 m2; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 90,8%; 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 84,1% hộ đạt gia đình văn hóa... Những kết quả đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.