Năm 2018, Công ty CP Sơn Thủy nộp ngân sách Nhà nước 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 200 lao động với thu nhập bình quân từ 5,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Công ty CP Sơn Thủy cho biết: Hòa Bình là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp chế biến từ gỗ rừng và lâm sản ngoài gỗ. Nhận thức được tiềm năng này, từ năm 2006, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến gỗ và lâm sản tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn. Trong suốt quá trình hoạt động, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp liên kết, hợp tác, huy động các nguồn lực đầu tư dây truyền máy móc, công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các sáng kiến kỹ thuật cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ gỗ, đáp ứng nhu cầu của đối tác, khách hàng ở trong và ngoài nước. Đến nay công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào máy móc, thiết bị mở rộng quy mô nhà xưởng. Tất cả quy trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt hướng tới mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm chất lượng tốt nhất, xây dựng được uy tín và thương hiệu trên thị trường. Công ty luôn chăm lo xây dựng, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm các chế độ đối với người lao động như đóng các loại bảo hiểm, bảo hiểm y tế, thường xuyên tổ chức thăm quan, nghỉ mát, chăm lo thiết thực đến đời sống vật chất và tinh thần người lao động, tạo động lực, không khí vui tươi, phấn khởi phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra. Từ năm 2006 - 2014, công ty đã thành công trong sản xuất gỗ ép thanh, bàn ghế ngoài trời, chủ yếu xuất đi các nước châu Âu. Năm 2014, công ty tiếp tục đầu tư sản xuất gỗ dán phim, gỗ xẻ chủ yếu xuất sang các nước để làm ép trần, cốp pha bê tông phục vụ xây dựng nhà cao tầng. Công ty luôn hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh hằng năm, duy trì mức tăng trưởng ổn định và bền vững. Hiện nay, công ty đã có 2 nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ, năm 2018 thực hiện doanh thu 450 tỷ đồng, duy trì việc làm ổn định cho 200 lao động với thu nhập bình quân đạt 5,5 - 7 triệu đồng/người/ tháng. 2 năm gần đây, công ty nộp ngân sách Nhà nước bình quân 20 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 1/3 ngân sách Nhà nước của huyện Kỳ Sơn, là doanh nghiệp dẫn đầu nộp ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Tới đây, công ty đang nghiên cứu mở rộng thêm một cơ sở sản xuất chế biến gỗ tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn.
Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp cho người dân, cuối năm 2015, công ty triển khai chương trình hợp tác với nông dân trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC - một mô hình trồng rừng đem đến nhiều lợi ích từ cải tạo môi trường, môi sinh, bảo vệ đất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân trồng rừng, phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam. Đến nay, diện tích hợp tác trồng rừng của công ty có khoảng 5.000 ha ở các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy.
Công ty hỗ trợ hồ sơ, thủ tục, kinh phí để các chuyên gia sang đánh giá và cấp giấy chứng nhận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn FSC. Khi đạt chứng chỉ rừng FSC, giá trị gỗ sẽ cao hơn cách trồng rừng truyền thống, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp.
L.C