Lý Sao Mai giới thiệu sản phẩm chè tuyết núi Biều tại Chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp huyện Lương Sơn vào trung tuần tháng 5/2018.
Xứ sở của những cây chè tuyết cổ thụ
Điều thú vị, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã khơi gợi trí tò mò của chúng tôi được chị Đặng Thị Lự, cán bộ văn hóa xã bật mí khi xe vừa qua những con dốc "cổng trời” cao vút để bắt đầu vào xóm. Dừng xe lại. Giữa đất trời bao la, hít căng lồng ngực hương núi, hương rừng. Lự hỏi: Các anh có thấy gì khác lạ không?! Theo hướng chỉ tay của cô. Ở phía xa, trên sườn núi, một cây gỗ vươn cao với những đốm hoa trắng li ti đang bung hương, khoe sắc dưới ánh nắng dịu ngọt vừa tan sương. "Chè tuyết cổ thụ đấy! Cả huyện Đà Bắc chỉ mỗi vùng núi Biều này là còn có cây chè tuyết cổ thụ. Đáng nói hơn, hương chè tuyết cổ thụ độc đáo này đã được một cô gái người Dao nơi bản nhỏ này đưa đi xa”, Lự chia sẻ.
Người mà cô cán bộ văn hóa xã nói là Lý Sao Mai. Thật may mắn khi hỏi về Lý Sao Mai, một chàng thanh niên trẻ không ngại dốc núi đã dẫn chúng tôi đến tận nhà. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Lý Sao Mai ở ngay đầu xóm. Không như hình dung ban đầu, Lý Sao Mai là một cô gái đẹp mặn mà, có tư duy nhanh nhạy. Chẳng vậy mà khi nhận thấy tiềm năng, giá trị của cây chè tuyết cổ thụ - một đặc sản của vùng núi Biều, Lý Sao Mai đã cùng với những hộ dân trong xóm nỗ lực gìn giữ, phát triển cây chè này.
Kể về loại cây này, Sao Mai cho biết, cây chè tuyết đã gắn bó với người dân xóm Sưng từ hàng trăm năm nay. Ngay từ khi những người Dao đầu tiên đặt chân đến vùng đất này định canh, định cư, họ đã đi tìm và bảo tồn, gìn giữ và nhân rộng những cây chè tuyết cổ thụ. Bởi, với người Dao ở vùng đất này, cây chè tuyết không chỉ đơn giản là một loại thức uống mà còn được xem như một vị thuốc. Nhờ đó, xưa kia có thời điểm trên núi Biều đã hình thành cả rừng chè rộng lớn. Bây giờ, sau nhiều năm, nhiều cây chè đã già cỗi rồi chết. Ngoài ra, trong quá trình đốt nương, làm rẫy, nhiều người đã đốn bỏ cây chè. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trên núi Biều còn khoảng trên 2.000 cây chè tuyết cổ thụ. Từ xóm Sưng lên đến nơi chè tuyết mọc tự nhiên phải mất cả giờ đồng hồ đi bộ, leo núi. Càng đi xa lại càng nhiều cây chè cổ thụ. Có nhiều cây cao, to cả một người ôm không hết, muốn hái phải trèo lên cây hoặc bắc thang. Trong số đó, có nhiều cây được trồng, nhưng đa số mọc tự nhiên rải rác trên núi Biều.
Cây chè tuyết ở đây có nhiều điểm khác biệt so với chè của những vùng khác. Đó là chè mọc ở vùng núi có độ cao trên 1.000 m2 so với mực nước biển, sinh trưởng tự nhiên, không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Với khí hậu mát mẻ, sáng và chiều đều có mây che phủ nên cây cho búp rất to. Đặc biệt, chè luôn có lớp lông trắng mịn ở búp non nên được người dân ở đây gọi là chè tuyết.
Trước kia, mỗi năm người dân tộc Dao ở bản chỉ thu hái một vụ chè. Họ thường chọn những cành dài khoảng 10 - 15 cm. Chè sau khi thu hái về được sao trên chảo, sau đó vò bằng tay, phơi nắng và cho vào sọt để trên gác bếp. Loại chè này được đồng bào người Dao gọi là chè bồm. Mới đây, được hỗ trợ về kỹ thuật thu hái và chế biến, người Dao đã biết hái những búp chè non "1 tôm, 2 lá” mang về sao ủ theo cách cổ truyền. Do vậy, khi pha nước, chè không có màu xanh như chè bình thường mà có màu vàng óng như mật ong, vị ngọt đậm, mang đến cho người thưởng thức cảm giác sảng khoái, tốt cho tim mạch, giảm lượng đường trong máu, bài trừ độc tố, làm đẹp da... Đặc biệt, không giống như bất cứ loại chè nào khác, chè tuyết của đồng bào người Dao xóm Sưng có đặc điểm không loại chè nào có được, đó là dù có uống bao nhiêu cũng không bị mất ngủ. Trái lại, loại chè này còn kích thích tiêu hoá, làm cho người uống ăn tốt, ngủ ngon.
Nỗ lực mở đường cho chè tuyết đi xa
Sau nhiều năm được thu hái theo kiểu thủ công khi để cho chè già, rồi đốn cả cành, sản lượng thu về rất ít. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường đối với loại chè đặc sản này ngày càng tăng. Nhận thức được điều đó, Lý Sao Mai đã mạnh dạn đem ý tưởng sản xuất chè theo hướng thương phẩm, hàng hoá bàn với ông Lý Hồng Si - một người có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt trong việc thu hái, sao chè của xóm. Nhận được cái gật đầu của già Lý Hồng Si, Lý Sao Mai đã thành lập tổ nhóm thu mua, sản xuất chè gồm 6 hộ dân trong xóm. Đáng nói, 6 hộ này đều thuộc diện hộ nghèo. Với ý tưởng và sự "chèo lái” của Lý Sao Mai, các hộ đã liên kết mở xưởng sản xuất, sao chế theo công nghệ mới, quảng bá sản phẩm và bán ra thị trường.
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải khi phát triển, đưa sản phẩm chè tuyết ra thị trường, đến với người tiêu dùng, Lý Sao Mai đáp lại bằng nụ cười chân thật: Lúc mới bắt tay vào làm trở ngại nhiều lắm. Bởi từ trước đến giờ, bà con chỉ quen thu hái chè theo kiểu truyền thống, mỗi năm một vụ. Bây giờ, áp dụng công nghệ mới, thu hái búp chè, phải lấy thành nhiều vụ, cùng với đó, việc đi lên núi hái chè còn nhiều khó khăn thế nên bà con cũng ngại.
Từ sự vận động của Lý Sao Mai, người dân xóm Sưng đã nhận thấy giá trị to lớn của cây chè tuyết.
Để thuyết phục người dân, Lý Sao Mai phải dành nhiều thời gian đến từng nhà tâm tình, trò chuyện với bà con trong xóm để họ ủng hộ, làm theo. Hơn nữa, chè được thu hái từ những cây cổ thụ có từ hàng trăm năm tuổi nên muốn tăng sản lượng cũng khó. Thêm vào đó, nhiều người chưa biết hết giá trị của cây chè tuyết trên vùng núi Biều nên không mặn mà với "sản vật” không ở đâu có này.
Để giải quyết vấn đề, Lý Sao Mai cùng với già Lý Hồng Si bàn bạc và đi đến thống nhất là phải quảng bá được sản phẩm chè tuyết núi Biều ra bên ngoài. Tuy vậy, đây cũng là một thách thức của cô gái người Dao nơi bản nhỏ này. Bởi nơi đây, có những khi sóng điện thoại di động còn yếu, muốn liên hệ với ai, người ta còn phải chạy lên những chỗ thật cao. Điện thoại còn thế, nói gì đến mạng internet. Tuy vậy, xác định những khó khăn là động lực để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu. Thế nên Lý Sao Mai đã xác định trước tiên phải làm cho người dân mình trước để tham khảo, lấy ý kiến đóng góp từ chính người dân trong xóm, rồi sau đó mới tính đến việc đưa ra ngoài thị trường.
Với cách làm đó, sản phẩm chè tuyết do tổ nhóm của Lý Sao Mai từng bước được hoàn thiện về cách chế biến, đóng gói. Sản phẩm chè tuyết cổ thụ núi Biều đã được chính người dân trong xóm đón nhận. Không chỉ tiếp nhận sản phẩm mà người dân đã tích cực tham gia vào quy trình sản xuất. Nếu như trước đây còn có tâm lý ngại khó, ngại khổ khi thu hái chè thì đến nay, người dân đã chủ động, tích cực lên núi hái chè. Những cây chè cổ thụ vốn để mọc hoang hoá thì nay đã được chăm sóc, bảo vệ. Thành công đến với Lý Sao Mai và tổ nhóm sản xuất, chế biến chè xóm Sưng là sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó với giá bình quân từ 250.000 đồng/kg. Sau khi xóm Sưng được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm chè tuyết cổ thụ núi Biều đã trở thành sản vật mà du khách đến đây muốn có để mang về.
Theo già Lý Hồng Si, cũng chính từ việc tiêu thụ sản phẩm tại chỗ cho khách du lịch đã kích thích sản xuất, góp phần nâng cao đời sống các hộ tham gia tổ nhóm. Theo đó, trong năm 2016, tổ nhóm mới chỉ sản xuất và bán ra thị trường được khoảng 500 kg chè khô, đến năm 2017 năng suất đã được nhân lên gấp 2 lần. Tiếp đó, vụ chè tuyết năm 2018 nhóm đã sản xuất được gần 2 tấn chè búp khô. Nhờ đó, từ núi Biều, hương chè đã được bay xa.
Trò chuyện với chúng tôi, Lý Sao Mai chia sẻ: Trong năm 2018, may mắn là sản phẩm chè tuyết của tổ nhóm đã được huyện Đà Bắc chọn đi trưng bày, giới thiệu tại Chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh tại Lương Sơn. Tại đây, sản phẩm chè tuyết dù mẫu mã chưa được bắt mắt nhưng đã được người tiêu dùng quan tâm vì có chất lượng cao. Đó là thành công trước mắt để chúng em tiếp tục đưa sản phẩm này vươn xa. Đây cũng là cách để người Dao dưới chân núi Biều gìn giữ giống chè tuyết quý. Cũng như mở ra hướng đi mới, hiệu quả góp phần xoá đói - giảm nghèo ở địa phương. Điều đó được minh chứng bằng việc những hộ tham gia tổ nhóm vốn là hộ nghèo đã từng bước vươn lên với nguồn thu ổn định từ cây chè.
Mạnh Hùng