(HBĐT) -Áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết để cùng phát triển, cam kết đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là những điều nông dân ở xã nông thôn mới Liên Vũ (Lạc Sơn) đang hướng đến để phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Gà thả vườn của gia đình anh Bùi Văn Biên, xóm Beo, xã Liên Vũ(Lạc Sơn) được nhiều thương lái thu mua nhờ áp dụng quy trình nuôi bán chăn thả.
Anh Bùi Văn Anh, xóm Côm, xã Liên Vũ là một trong những hội viên nông dân đi đầu trong áp dụng các quy trình về sản xuất nông nghiệp sạch. Trước đây, gia đình anh gắn bó lâu năm với cây mía. Mấy năm gần đây, nhận thấy đầu ra của cây mía có nhiều bấp bênh, năng suất, chất lượng không cao, anh quyết định chuyển sang trồng cây ăn quả có múi, trong đó, bưởi Diễn và cam Canh là 2 loại cây chủ lực. Khác với những lần chuyển đổi trước, sau khi đi học tập, nghiên cứu tại nhiều nhà vườn cũng như nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường, anh quyết định chọn nông nghiệp sạch làm hướng đi cho mô hình kinh tế của gia đình. Toàn bộ hơn 300 gốc cam Canh, bưởi Diễn được anh canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Bùi Văn Anh cho biết: Việc sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn huyện Lạc Sơn khá thuận lợi, thay vì mất chi phí vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi có thể tận dụng được nguồn phân chuồng chăn nuôi, đồng thời, nguồn nhân công của gia đình sẵn có.
Một trong những "nhà nông” trẻ khác cũng lựa chọn xây dựng thương hiệu gắn với thực phẩm sạch trên địa bàn xã Liên Vũ là anh Bùi Văn Biên, xóm Beo. Tận dụng diện tích đất vườn đồi rộng, anh Biên phát triển mô hình nuôi gà thương phẩm quy mô lớn. Nét nổi bật của mô hình không chỉ ở quy mô, kinh phí đầu tư mà chính là chiến lược phát triển sản phẩm. Với nhiều trang trại, thời gian nuôi gà chỉ khoảng 3 tháng, 1 năm quay vòng 3 lứa, nhưng đối với trang trại của gia đình anh Biên, trung bình thời gian nuôi từ 4 tháng rưỡi đến 5 tháng mới xuất bán. Khi đó, gà thương phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Gà nuôi thả hoàn toàn. Hệ thống chuồng trại được thiết kế thoáng mát và đảm bảo khâu khử trùng tiêu độc, hạn chế được dịch bệnh. Anh Biên cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi hiểu rằng, hiện nay, sản xuất nông nghiệp đã thay đổi, người dân ngày càng chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, nông dân cũng phải thay đổi theo, làm thế nào để sản phẩm của mình không chỉ chất lượng mà còn phải sạch và an toàn. Đó cũng chính là suy nghĩ, trăn trở lớn nhất khi tôi quyết định bắt tay thực hiện mô hình. Rất may, sau khi mời thương lái đến xem tận vườn, chứng kiến cách chăn thả của gia đình thì tôi không còn lo lắng việc xuất bán gà, nhưng còn phụ thuộc về giá của tư thương.
Anh Biên và anh Anh là 2 trong nhiều hội viên nông dân xã Liên Vũ lấy tiêu chí sản phẩm nông nghiệp sạch làm mục tiêu để phát triển nông nghiệp bền vững. Mới đây, để hỗ trợ hội viên nông dân, xã Liên Vũ đã thành lập HTX sản xuất và cung ứng nông nghiệp sạch với 16 thành viên, tập trung vào 2 nhóm chính là kinh tế vườn và chăn nuôi. Anh Bùi Đình Khải, Chủ nhiệm HTX cho biết: Hiện nay, HTX đã có nhiều loại sản phẩm đảm bảo chất lượng như gà đồi, cây ăn quả, mật ong rừng… Các thành viên trong HTX đều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, an toàn. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để những sản phẩm của mình đứng vững trên thị trường, không bị lẫn với những nông sản khác. Vì vậy, HTX rất cần có sự hỗ trợ để quảng bá, giới thiệu, xây dựng được thương hiệu của mình, có như vậy mới tìm được đầu ra cho sản phẩm bền vững.
Liên Vũ là xã giáp với thị trấn Vụ Bản, có tuyến đường 12B đi qua là một lợi thế nếu tạo được thương hiệu nông sản sạch. Mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch của HTX có thể xem là một hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đây mong muốn có sự hỗ trợ, kết nối của các ngành chức năng về giống, vốn, kỹ thuật, đặc biệt là thông tin thị trường và đầu ra cho sản phẩm.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Ngày 27/3, tại nhà văn hóa xã Đoàn Kết, UBND huyện Yên Thủy tổ chức lễ đón bằng công nhận xã Đoàn Kết đạt chuẩn NTM năm 2018.
Tổng cục Thuế vừa nâng cấp ứng dụng Hỗ trợ kê khai (HTKK) phiên bản 4.1.6 cập nhật một số nội dung phát sinh khi triển khai phiên bản 4.1.5, trong đó có nâng cấp chức năng in tờ khai mã vạch tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 10 km, xã Hợp Thành có 6 xóm, 762 hộ, 3.556 nhân khẩu. Nằm dọc tuyến tỉnh lộ 445 ven sông Đà, xã có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Trong đó, tỷ trọng TTCN chiếm 47,4% với các ngành nghề chủ yếu gồm: chổi chít, đồ gỗ, may mặc, gạch bê tông... Các cơ sở TTCN hoạt động hiệu quả, tạo thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
(HBĐT)_ Trong quý I/2019, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng nhờ sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.680 tỷ đồng, tăng 17,46% so với cùng kỳ, thực hiện 23,21% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Chiều 28/3, Hội đồng thẩm đình chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tổ chức hội nghị thẩm định nghiệm thu Đề án chương trình OCOP tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Sáng 28/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018.