Chưa một lần lọt vào nhóm 10 tỉnh thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành (Top 10), năm 2018 Hà Nội bất ngờ vươn lên, và có mặt trong danh sách này và giành được ba cái "lần đầu tiên”.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tham quan dây chuyền sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Theo Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Hà Nội lần đầu tiên có mặt trong danh sách 10 tỉnh thành có điểm PCI cao nhất, đứng vị trí thứ 9, với 65,4 điểm. Đứng đầu bảng là Quảng Ninh với 70,36 điểm trên thang điểm 100.

Theo đó, Hà Nội đã đạt ba cái "lần đầu tiên”: thứ hạng cao nhất từ trước tới nay; lần đầu tiên vượt được TP Hồ Chí Minh trong bảng xếp hạng; và lần đầu tiên lọt danh sách 10 tỉnh thành được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành. Thành công này đến từ sự vận hành hiệu quả của bộ máy chính quyền, khẳng định vai trò của người đứng đầu hệ thống chính trị và chính quyền Hà Nội.

Đạt được ba cái đầu tiên trong mùa PCI năm nay, Hà Nội được cả Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn nhắc đến với sự nhấn mạnh đặc biệt.

"Lần đầu tiên thủ đô Việt Nam - trung tâm kinh tế chính trị của cả nước vào nhóm 10 tỉnh thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành nhờ sự thông thoáng của môi trường kinh doanh", TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ tại sự kiện công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 (PCI) vừa diễn ra ngày 28-3.

Cũng theo ông Lộc, đây là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội có được từ trước đến nay, đã đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu" để tiến lên phía trước, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của cả nước và hướng tới một tầm nhìn trở thành một thành phố có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong ASEAN trong thời gian tới".

Còn Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn cho biết,"Hà Nội đã và đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, liên tục trong nhiều năm qua; thể hiện rõ tinh thần cầu thị, quyết tâm thay đổi thứ hạng và trên hết là vì mục tiêu phục vụ doanh nghiệp”.

"Đây là sự nỗ lực rất lớn từ chính quyền, các cơ quan hữu quan của thành phố”, ông Tuấn bình luận.

Cải thiện chỉ số là mục tiêu hàng đầu

Một lĩnh vực thường khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên cả nước khó hài lòng như thủ tục nhiều cửa trong đăng ký doanh nghiệp, thì Hà Nội năm qua lại đạt được những điểm sáng đáng ghi nhận.

Báo cáo PCI cho biết, Hà Nội đã có bước chuyển rõ rệt về chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp. Có 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%). Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó xuống còn 5% trong năm vừa qua. 2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp ở cấp huyện, thị, do vậy những vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp đã có kênh giải toả khá hiệu quả.

Lãnh đạo thành phố cũng luôn theo sát diễn biến đời sống doanh nghiệp, đưa ra những kế hoạch, công tác cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp một cách thực chất. Kết quả điều tra PCI về Hà Nội cũng phản ánh phần nào đánh giá của doanh nghiệp về vấn đề này. Hiện nay, thời gian đăng ký doanh nghiệp đã giảm 31,5%; 98,4% doanh nghiệp nộp thuế qua mạng.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, xếp hạng PCI của Thủ đô đã tăng 41 bậc (từ vị trí 51 của 2012 lên vị trí thứ 9 năm 2018).

"Đây là cả hành trình dài bền bỉ kiên định với nhiều cung bậc cảm xúc. PCI từ kênh thông tin tham khảo hữu ích đã trở thành chỉ số được giao nhiệm vụ, mục tiêu rõ ràng, cải thiện chỉ số này đã trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của thành phố”, ông Toản nói.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, xác định sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo và mục tiêu hành động... Chính quyền thành phố sẽ tập trung vào việc đáp ứng mặt bằng sản xuất, giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp, làm tốt công tác quy hoạch, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ doanh nghiệp hiệu quả hơn...

 

Các doanh nghiệp tại Hà Nội bình luận rằng Thủ đô đang giành được thiện cảm không nhỏ từ cộng đồng doanh nghiệp nơi đây.

Khối này cũng bày tỏ tin tưởng Hà Nội tiếp tục tạo những ấn tượng tốt đẹp, góp phần vào tương lai cho khách hàng là người dân và doanh nghiệp bằng sự sáng tạo, hiệu quả, minh bạch, thân thiện..., tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế đi đôi với cải thiện một số chỉ số thành phần còn xếp hạng thấp.

Các con số ấn tượng năm 2018 và quý I - 2019 của Hà Nội:

Năm thứ ba Hà Nội tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển”; trao quyết định chủ trương đầu tư cho 71 dự án với tổng vốn đầu tư 71 tỷ USD.

Năm 2018, tổng vốn đầu tư xã hội đạt hơn 340.000 tỷ đồng, tăng hơn 10%. Năm 2018, lần đầu tiên Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước và cao nhất sau 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.. Riêng từ ngày 1-1-2019 đến 14-3-2019 đạt 4,04 tỷ USD, gấp 21,9 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Hơn 25.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 260.000 tỷ đồng...

TheoNhandan

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy mở hướng phát triển kinh tế trang trại

(HBĐT) - Theo số liệu thống kê, huyện Lạc Thủy có diện tích đất nông nghiệp trên 5.450 ha (chiếm 18,6% tổng diện tích của huyện), đất lâm nghiệp có rừng trên 12.760 ha (chiếm 43,51%). Kết quả phân tích định lượng cho thấy, lớp đất ở Lạc Thuỷ có độ phì khá, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Cùng với đó, Lạc Thủy được đánh giá là địa phương có tiềm năng về khí hậu, lao động, đó là những điều kiện hết sức thuận lợi để huyện chỉ đạo, định hướng người dân đầu tư phát triển kinh tế trạng trại.

Hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

(HBĐT) - Ngày 29/3, Cục QLTT phối hợp với Hiệp Hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn phân biệt hàng thật, hàng giả. Tham dự có các đội QLTT, toàn thể công chức thuộc Cục, đại biểu các sở, ngành: Công Thương, KH & CN, NN & PTNT.

Đoàn Kết đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới

(HBĐT) - Ngày 27/3,  tại nhà văn hóa xã Đoàn Kết, UBND huyện Yên Thủy tổ chức lễ đón bằng công nhận xã Đoàn Kết đạt chuẩn NTM năm 2018. 

Nâng cấp ứng dụng Hỗ trợ kê khai phiên bản 4.1.6

Tổng cục Thuế vừa nâng cấp ứng dụng Hỗ trợ kê khai (HTKK) phiên bản 4.1.6 cập nhật một số nội dung phát sinh khi triển khai phiên bản 4.1.5, trong đó có nâng cấp chức năng in tờ khai mã vạch tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Xã Hợp Thành phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp

Cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 10 km, xã Hợp Thành có 6 xóm, 762 hộ, 3.556 nhân khẩu. Nằm dọc tuyến tỉnh lộ 445 ven sông Đà, xã có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Trong đó, tỷ trọng TTCN chiếm 47,4% với các ngành nghề chủ yếu gồm: chổi chít, đồ gỗ, may mặc, gạch bê tông... Các cơ sở TTCN hoạt động hiệu quả, tạo thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Giá trị sản xuất công nghiệp quý I ước đạt 8.680 tỷ đồng

(HBĐT)_ Trong quý I/2019, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng nhờ sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.680 tỷ đồng, tăng 17,46% so với cùng kỳ, thực hiện 23,21% kế hoạch năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục