(HBĐT) -Những năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cao Phong đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình anh Bùi Văn Khương, xóm Bãi Thoáng, xã Yên Thượng (Cao Phong) đầu tư trồng cam, mía trắng đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững.
Ở xã vùng cao Yên Thượng, hộ anh Bùi Văn Khương, xóm Bãi Thoáng được nhiều người biết đến là hộ sử dụng vốn vay hiệu quả và thoát nghèo bền vững, vươn lên có cuộc sống khá giả. Từ khi tách ra ở riêng, 2 vợ chồng với 2 con nhỏ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Năm 2012, gia đình anh nằm trong diện hộ nghèo của xã. Năm 2014, gia đình được vay 45 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo đầu tư vào vườn cam, chanh và mía trắng. Năm 2017, vườn cam cho thu bói và từ năm 2018 cho thu ổn định. Chăm chỉ làm ăn và thoát nghèo bền vững, năm 2018, gia đình anh đã xây được ngôi nhà khang trang, rộng rãi. Đây chỉ là một trong hàng nghìn hộ sử dụng vốn vay hiệu quả trên địa bàn huyện Cao Phong.
Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong, đến hết tháng 3, tổng nguồn vốn hoạt động của Phòng giao dịch đạt 265.820 triệu đồng, trong đó, được giao tăng trưởng mới 14.864 triệu đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương 15.644 triệu đồng, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách 2.029 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện đạt 28.021 triệu đồng, đưa tổng dư nợ toàn huyện đạt 265.820 triệu đồng, thực hiện 14 chương trình tín dụng với 7.421 hộ còn dư nợ. Doanh số thu nợ đạt 22.715 triệu đồng; nợ quá hạn 80 triệu đồng/4 hộ, chiếm 0,03% tổng dư nợ, giảm 46 triệu đồng so với cuối năm 2018. NHCSXH huyện đã tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến đối tượng thụ hưởng theo quy định tại các điểm giao dịch xã. Phòng giao dịch huyện đang triển khai nhiều biện pháp để phát huy hiệu quả của từng chương trình cho vay.
Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, hiệu quả đồng vốn đã hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất - kinh doanh, cải thiện đời sống, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Kênh tín dụng ưu đãi thông qua phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tính công khai, dân chủ, tiết kiệm chi phí; các mối quan hệ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền cơ sở và nhân dân thêm gần gũi, bền chặt hơn. Hiện, toàn huyện có 194 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), bình quân mỗi xã, thị trấn có 15 tổ, mỗi tổ có 38 tổ viên, dư nợ bình quân 1.369 triệu đồng/tổ. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, năm 2018, huyện có 3.282 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống; làm mới, sửa chữa, nâng cấp 2.046 công trình nước sạch, vệ sinh; xây dựng 55 nhà ở cho hộ nghèo... Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 18,17% năm 2017 xuống còn 14,67% năm 2018, nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 41,6 triệu đồng lên 45,7 triệu đồng/năm.
Đồng chí Vũ Hoài Nam, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong cho biết: Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các Hội, đoàn thể cấp xã, trưởng thôn thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại các tổ TK&VV, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định về bình xét cho vay, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm bằng biên lai, không để xảy ra tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng, vay hộ, vay ké, sử dụng vốn sai mục đích.
Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Cao Phong chủ động tham mưu cho huyện thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, bảo đảm công khai, dân chủ. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức giúp người dân hiểu rõ về vốn chính sách tín dụng ưu đãi, quyền lợi và trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi theo quy định. Vận động huy động tiền gửi tiết kiệm từ tổ chức, cá nhân, từ tổ TK&VV để đáp ứng nguồn vốn cho vay. Đồng thời thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động cho vay vốn ưu đãi nhằm phát hiện và chỉnh sửa kịp thời những sai sót.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Những năm qua, huyện Kim Bôi dành nhiều quan tâm thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức sản xuất, trong đó, chú trọng xây dựng các hợp tác xã (HTX) hoạt động theo hình thức liên kết. Đến nay, trên địa bàn huyện có 21 HTX, 15 trang trại, 1 nông trại.
(HBĐT) - Cách trung tâm huyện Yên Thủy 11 km, xã Lạc Lương thuộc vùng 135, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do địa bàn chủ yếu là núi đá, sản xuất nông nghiệp manh mún, phụ thuộc vào thiên nhiên; địa phương chưa xác định được các mô hình kinh tế mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao; trên địa bàn không có công ty, xí nghiệp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chính vì vậy, theo thống kê năm 2018, thu nhập bình quân toàn xã đạt 20,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 60,03%.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút 5 dự án, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 7 dự án, thu hồi 3 dự án đầu tư vào khu công nghiệp (KCN).
(HBĐT) - Điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhưng nông nghiệp của huyện Đà Bắc đang vượt khó và trên đà khởi sắc. Huyện từng bước phát triển các chuỗi giá trị, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho những sản phẩm thế mạnh.
(HBĐT) - Quý I/2019, hoạt động sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện Lạc Sơn tương đối ổn định. Các ngành chức năng đã tiến hành theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất mới để hỗ trợ kinh phí khuyến công năm 2019.
(HBĐT) - Trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước có 100 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 3.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượng DN cấp mới tăng 11,12%, số vốn đăng ký tăng 20%.