Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vương Ðình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Vũ Ðức Ðam, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư và bảy tỉnh, thành phố trong Vùng KTTÐBB, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Vùng KTTÐBB đạt bình quân 9,08%/năm, cao nhất trong bốn vùng KTTÐ của cả nước và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QÐ-TTg cho cả giai đoạn 2016-2020 (9%). Tổng GRDP của vùng đến năm 2018 chiếm 31,73% GDP của cả nước; trong đó Hà Nội dẫn đầu toàn vùng, đóng góp 16,96% vào GDP cả nước. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4.164 USD năm 2016 lên 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tại hội nghị, có gần 20 tham luận tập trung đánh giá về các vấn đề lớn, bàn thảo các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng KTTÐBB theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; cơ chế chính sách về đầu tư và tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTÐBB phát triển bứt phá, giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển; hoàn thiện thể chế Vùng KTTÐBB nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động điều phối và liên kết vùng trong thời gian tới...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ðảng bộ, chính quyền các địa phương trong Vùng KTTÐBB về kết quả đạt được thời gian qua: Vùng đóng góp hơn 32% GDP cả nước. Trong 14 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về T.Ư thì có toàn bộ các địa phương của vùng. Ghi nhận ý kiến rằng cần tính toán lại số lượng địa phương tham gia vùng, Thủ tướng cho biết, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang nghiên cứu việc phân chia lại vùng kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, bất cập hiện nay của Vùng KTTÐBB, đó là: Khu vực dịch vụ đang là lợi thế nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững; sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ; liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh còn rất yếu; trình độ canh tác, công nghệ sơ chế, chế biến còn lạc hậu…; tình trạng ô nhiễm môi trường ở đô thị, nông thôn, lưu vực sông, làng nghề, cụm công nghiệp… rất phức tạp; khu vực công nghiệp chủ yếu phát triển chiều rộng, đóng góp của khoa học kỹ thuật, năng suất các yếu tố tổng hợp còn hạn chế; một số địa phương vẫn tập trung vào khai thác tài nguyên, gia công; các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, logistics, dịch vụ cao cấp phát triển chưa tương xứng. Việc gắn kết giữa các dự án FDI và doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chưa có tính chất lan tỏa; phát triển các dự án công nghiệp tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Các hoạt động hợp tác liên kết nội vùng và giữa các vùng chưa thật sự chủ động, hiệu quả. Chất lượng tăng trưởng và mức độ lan tỏa của Vùng KTTÐBB chưa thật sự rõ nét...
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh, để đưa Vùng KTTÐBB trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giữ vai trò động lực, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác và cả nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Vùng KTTÐBB cần nghiên cứu đề xuất thể chế liên kết vùng, thành lập hội đồng vùng, tăng cường liên kết các lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ sâu rộng hơn; đi đầu trong phát triển công nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, làm rõ hơn mô hình phát triển với kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh làm chủ lực.
Phát huy giá trị văn hóa, con người trong quá trình phát triển; đột phá trong phát triển công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị thông minh; khơi nguồn sáng tạo, làm tốt dịch vụ logistics; thúc đẩy đầu tư xây dựng nông thôn mới tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao vai trò của trường đại học trong phát triển; cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, chống gian lận thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính; quan tâm chống tham nhũng, lãng phí…
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ngay sau hội nghị này khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp chủ yếu phát triển Vùng KTTÐBB trong giai đoạn tới; làm việc với các cơ quan liên quan để đề xuất cơ chế, chính sách điều hành và liên kết các địa phương trong vùng và giữa vùng với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng, báo cáo Thủ tướng và Chính phủ.
Vùng KTTÐBB gồm bảy tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc; là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của cả nước. Diện tích tự nhiên khoảng 15.591 km2 (chiếm 4,7% cả nước); quy mô dân số 16,14 triệu người (chiếm 17% cả nước). Quy mô kinh tế của vùng đứng thứ hai cả nước. |
TheoNhandan
Hàng nhập về đóng gói, sơ chế hoặc làm các công đoạn cuối, thậm chí hàng đặt “nguyên con” ở nước ngoài, về gắn mác hàng Việt, có được coi là hàng Việt không?
Từ năm 2010 đến nay, đã có 685 giống cây trồng, 252 giống cây lâm nghiệp, 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản được công nhận.