Từ năm 2010 đến nay, đã có 685 giống cây trồng, 252 giống cây lâm nghiệp, 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản được công nhận.
Sáng 24/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ
chức hội nghị tổng kết Đề án "Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật
nuôi và giống thủy sản đến năm 2020” theo Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày
25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân
Cường, với diện tích đất canh tác nông nghiệp thấp, nông nghiệp
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn.
Trong các giải pháp phát triển nông nghiệp, giống vô cùng quan trọng.
Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học, năng lực chọn tạo giống đã được nâng lên
một bậc rõ nét.
Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng tính hội nhập, chuyển
giao giống cần đẩy mạnh hơn. Các đơn vị cần hướng đến xuất khẩu giống nông nghiệp.
"Cần nghĩ đến khâu tạo ra giá trị cao mà nhẹ nhàng nhất, chứ
không chỉ nghĩ đến giá trị mang lại ở khâu sản xuất thương phẩm cuối
cùng," Bộ trưởng gợi ý.
Sau gần 10 năm thực hiện Đề án "Phát triển giống cây nông lâm nghiệp,
giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020," ông Nguyễn Văn Việt, Vụ
trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhiều giống
cây trồng, vật nuôi mới được chọn tạo hoặc nhập nội. Những giống có ưu thế đã
được áp dụng trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản
xuất và sức cạnh tranh sản phẩm.
Từ năm 2010 đến nay, đã có 685 giống cây trồng, 252 giống cây lâm
nghiệp, 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản được công nhận.
Hệ thống nguồn gene cây
trồng, vật nuôi tiếp tục được duy trì, lưu giữ và đánh giá. Đây là nguồn vật liệu
vô cùng quan trọng, phục vụ cho nghiên cứu, chọn tạo giống trong trước mắt và
lâu dài.
Một lượng lớn giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống đầu dòng,
giống bố mẹ hạt lai... sản xuất ra từ các dự án đã được doanh nghiệp, tổ chức,
cá nhân tiếp nhận để nhân các cấp giống tiếp theo, cung cấp cho sản xuất đại
trà.
Tỷ lệ sử dụng giống cấp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số cây
trồng, vật nuôi đạt và vượt mục tiêu đề ra (70%) như: ngô đạt 95%; sắn 75%;
càphê 70%; cao su, chè, chuối, nhãn, vải, thanh long đạt 100%; cây giống lâm
nghiệp đạt 80%; 93% đàn lợn, 70% đàn gia cầm; 100% giống tôm thẻ chân trắng và
cá rô phi được kiểm soát chất lượng.
Với gần 1.000 giống cây trồng, vật nuôi mới trong giai đoạn
2010-2018 được đưa vào sản xuất nên năng suất nhiều cây trồng, vật nuôi tăng vượt
so với mục tiêu Đề án (15%). Điển hình, năng suất ngô tăng 16%; cam tăng 25%;
nhãn tăng 26%; chè tăng 22%; càphê tăng 20,5%.
Năng suất sinh khối trong trồng rừng kinh tế tăng 50%. Trọng lượng
lợn xuất chuồng tăng 32%; năng suất sữa tăng 200-300 kg/con/chu kỳ. Năng suất
nuôi cá tra tăng 22%, tôm nước lợ tăng 82%, cá rô phi đơn tính tăng 3,7 lần.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào
những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh; có 80,6% là giống lúa
và giống ngô. Việc chọn giống các loại rau ăn lá, điều, một số loại cây ăn quả...
còn chưa được quan tâm; cây hồ tiêu, 10 năm qua không có giống mới được công nhận.
Trước thực tế này, Bộ trưởng
Nguyễn Xuân Cường cho rằng sự chuyển hướng nghiên cứu giống
theo hướng thị trường có chuyển động nhưng chưa nhạy bén, thậm chí còn chậm. Đó
là trong khi rau, hoa, quả có nhu cầu, tiềm năng phát triển nhưng lại còn yếu
trong khâu giống, đặc biệt là các giống rau ăn lá, hoa.
Để nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản
lý giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng hiện
đại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chọn tạo, sản xuất giống; thực
hiện thành công cơ cấu lại ngành, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép
xây dựng Đề án "Phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống
thuỷ sản giai đoạn 2021-2030."
Mục tiêu đề án là sẽ tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật
cho sản xuất đại trà, nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm,
góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành từ nay đến năm 2030. Sẽ có khoảng
500-700 giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất.
Đề án cũng sẽ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho các doanh
nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất giống; ứng dụng công nghệ
cao trong chọn tạo, sản xuất giống nhằm tạo ra nhiều giống mới có năng suất, chất
lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu cung cấp cho sản xuất đại trà.
Đề án sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống
những cây trồng, vật nuôi được ưu tiên cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: nhóm sản
phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản
địa phương.
Khi đó, các viện, trường và một số doanh nghiệp có điều kiện tham
gia sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống bố mẹ, giống đầu dòng…;
giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ…; giống bố mẹ các loài thủy hải sản chủ lực.
Các doanh nghiệp/hộ dân liên kết, tiếp nhận nguồn giống nêu trên của
các viện, trường để nhân các cấp giống tiếp theo phục vụ sản xuất đại trà.
Để đa dạng hóa nguồn giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho sản xuất,
đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu chọn tạo những giống mới có khả năng chống chịu
sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng cao; phục tráng
giống cây trồng, vật nuôi đặc sản của các địa phương; nhập nội, mua bản quyền
tác giả giống mới.
Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Ngọc Thạch,
cho rằng để đảm bảo cung cấp giống đúng chất lượng, đúng cơ cấu giống trong thời
gian tới, bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước cần có sự tiếp tục đầu tư
đúng mức và có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị để nâng cấp hệ thống
sản xuất giống cộng đồng thành hệ thống giống chính quy.
Bộ tiếp tục đầu tư chương trình giống trong thời gian tới; trong
đó ưu tiên tăng cường năng lực kiểm định/kiểm nghiệm giống và hỗ trợ một phần
kinh phí kiểm nghiệm/kiểm định cho các đơn vị sản xuất giống để từng bước quản
lý chặt chẽ hơn chất lượng giống trong sản xuất, ông Trần Ngọc Thạch kiến nghị./.
TheoVietnamplus