Với 18 hộ thành viên, diện tích trồng nhãn 24,5 ha, HTX được huyện lựa chọn hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ nhãn đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Sản lượng nhãn của các hộ thành viên sau khi được chứng nhận VietGAP đã tăng từ 10,5 tấn/ha lên 12,5 tấn/ha, chất lượng ngon ngọt, cùi dày, ít bị sâu bệnh, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, cao hơn 25% so với mặt bằng chung thị trường. Lợi nhuận theo tính toán của HTX sau khi trừ mọi chí phí đạt 60% tổng thu.
Cùng tham gia chuỗi liên kết giá trị còn có HTX nông nghiệp và dịch vụ Thuận Phát ở xóm Đồng Sương, xã Thành Lập. Theo ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, HTX có 8 hộ thành viên tham gia, quy mô trên 10.000 con gà/năm. 100% hộ đều có nhận thức tốt, nhạy bén trong sản xuất và thị trường nên hưởng ứng, tham gia tích cực. Mô hình có sự hướng dẫn, tập huấn kiến thức kỹ thuật và hỗ trợ các điều kiện chăn nuôi khác từ phía huyện. Triển khai từ tháng 6/2018, đàn gà chăn nuôi theo quy trình VietGAP qua quá trình theo dõi, giám sát phát triển tốt, không có bệnh dịch đáng ngại. Đến kỳ xuất bán, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, trọng lượng bình quân từ 1,8 - 2kg, chất lượng thơm ngon, đảm bảo ATTP, giá bán ở mức 85.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường từ 75.000 - 80.000 đồng/kg.
Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Bằng nguồn vốn sự nghiệp và vốn hỗ trợ sản xuất theo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã quan tâm xây dựng các chuỗi sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo ATTP. Cụ thể, đã hỗ trợ gần 200 triệu đồng cho HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại xóm Vai Đào để xây dựng chuỗi nhãn VietGAP, hỗ trợ 99 triệu đồng để HTX nông nghiệp và dịch vụ Thuận Phát xây dựng và được chứng nhận chuỗi gà tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 103 triệu đồng đối với HTX nông nghiệp xã Tân Thành để xây dựng và chứng nhận bưởi VietGAP. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nhằm mục đích thúc đẩy liên kết tiêu thụ và tạo ra những vùng sản xuất, cung ứng sản phẩm an toàn.
Đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm nhãn của HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ xóm Vai Đào, xã Cao Răm (Lương Sơn) có sức tiêu thụ tốt, bán được giá trên thị trường.
Đồng thời với hoạt động hỗ trợ, huyện tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kêu gọi liên kết với bạn hàng, doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Đáng mừng là kể từ khi các chuỗi được xây dựng đến nay, những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm cơ bản được giải quyết, không có tình trạng sản phẩm làm ra tiêu thụ ế ẩm, giá cả bấp bênh và phải tiêu thụ ngoài thị trường tự do. Trong đó, một số HTX sản xuất nông sản đã ký kết được các hợp đồng tiêu thụ lớn như HTX nông nghiệp xã Tân Thành. Năm 2019, các chuỗi giá trị nông sản VietGAP tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả. Mặt khác, huyện đang triển khai các bước thực hiện Dự án cải tạo và phát triển đàn bò thịt tại 10 xã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Song song với đó, huyện triển khai đưa các chuỗi giá trị vào kế hoạch xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương, thúc đẩy Chương trình OCOP, tạo mỗi xã một sản phẩm lợi thế.
Bùi Minh