Sáu tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng, xuất khẩu nhiều nước trong khu vực tăng thấp hoặc giảm, kết quả nêu trên có thể xem là những tín hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, xuất khẩu sáu tháng vẫn thấp hơn kịch bản đề ra (123,5 tỷ USD) khiến việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm từ 8 đến 10% là không đơn giản.


Sơ chế hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Sự vươn lên của DN trong nước

Xuất khẩu sáu tháng đầu năm tiếp tục ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của khối DN trong nước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 85,7 tỷ USD, dù chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch, nhưng chỉ tăng trưởng 5,7% so cùng kỳ. Trong khi đó, khối DN có vốn trong nước đang ghi nhận mức tăng trưởng cao gần gấp hai lần là 10,4%. Tỷ trọng xuất khẩu của DN trong nước trong tổng kim ngạch chung cũng tăng từ 29,1% của sáu tháng năm 2018 lên khoảng 30% của cùng kỳ 2019. Không những vậy, khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng của khối trong nước không còn chỉ đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà có cả nhóm công nghiệp. Trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 6,9% so cùng kỳ, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng tới 9,1%, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng xuất khẩu cao của khối DN trong nước. Bên cạnh đó, xuất khẩu nhiều mặt hàng khác như gỗ và các sản phẩm gỗ, dệt may, chất dẻo, cao-su,... của khối DN trong nước đều tăng trưởng tốt.

Thống kê cũng cho thấy, Việt Nam đang tận dụng rất tốt ưu đãi về thuế trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu. Sáu tháng qua, xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam đều tăng trưởng tốt như: xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1%; sang Hàn Quốc đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6%; sang ASEAN đạt 13,067 tỷ USD, tăng 6,7%;… Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng tăng trưởng tốt, thể hiện rõ việc bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường. Theo đó, xuất khẩu sang Ca-na-đa tăng 31,5% (đạt 1,81 tỷ USD), sang Mê-hi-cô tăng 22,4% (đạt 1,3 tỷ USD).

Còn nhiều thách thức

Theo đánh giá của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu các tháng đầu năm dù tăng so cùng kỳ, nhưng vẫn chưa thật sự bền vững. Tăng trưởng xuất khẩu vẫn dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại hay hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu,... Cụ thể, nhu cầu và giá nông sản thế giới đang có xu hướng giảm như giá gạo đã giảm tới 15,1% so cùng kỳ, giá cà-phê giảm 11,7%, giá cao-su giảm 6%,... ngay lập tức tác động làm xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và sụt giảm đến 6,9% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu cà-phê giảm 10,6% về lượng và 21,1% về kim ngạch; gạo giảm 2,9% về lượng và 17,6% về kim ngạch;... Không những vậy, chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản của nước ta chưa đồng đều, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình trạng sản xuất vượt quá nhu cầu, cạnh tranh nội bộ (chủ yếu về giá) còn phổ biến,… càng dẫn đến bất lợi cho DN Việt Nam trong định giá xuất khẩu và gặp khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc đàm phán, ký kết các FTA đã mang lại nhiều cơ hội cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực,... chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng cao nhất những lợi ích mang lại. Mặt khác, nhiều DN chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm... Đây là một phần nguyên nhân khiến xuất khẩu sáu tháng đạt thấp hơn kịch bản tăng trưởng đề ra, chỉ bằng 46,55% kế hoạch năm. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm từ tám đến 10% (tương đương 263 tỷ USD), kim ngạch xuất khẩu sáu tháng cuối năm phải đạt bình quân hằng tháng từ 23 đến 23,4 tỷ USD, là nhiệm vụ rất khó khăn (lần gần đây nhất chúng ta chạm mốc 23 tỷ USD là tháng 8-2018). Trong khi đó, tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng không phải là môi trường thuận lợi để Việt Nam dễ dàng tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại.

Do đó, từ nay đến cuối năm, cần tiếp tục tập trung bám sát tình hình, theo dõi diễn biến thị trường trong nước và nước ngoài để có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh cũng như phản ứng chính sách kịp thời. "Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đã được Bộ Công thương xác định ngay từ đầu năm và thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên dành thời gian làm việc với cơ sở nhằm nắm sát tình hình để đôn đốc, kiểm tra, kịp thời xử lý công việc”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần kiên trì thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tạo nguồn cho xuất khẩu, khơi thông thị trường. Các chuyên gia kiến nghị, cần tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN để tạo sự kết nối đồng bộ hơn trong xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, các vấn đề chống bán phá giá, chống trợ cấp của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cuối cùng, cần thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực để mở rộng xuất khẩu cũng như kiểm soát nhập khẩu hiệu quả; tiếp tục thực thi tốt các FTA thế hệ mới như CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA).

Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Huyện Lạc Thủy: 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư 

(HBĐT) - Đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Thủy có tổng số 48 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 15.481 tỷ đồng.

Đào tạo gắn kết văn hóa và tăng cường kỹ năng làm việc cho cán bộ quản lý ngành điện

(HBĐT) - Công ty Điện lực Hòa Bình vừa phối hợp với Công ty CP People One tổ chức chương trình đào tạo gắn kết văn hóa và tăng cường kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. 54 cán bộ quản lý tham dự khóa đào tạo là trưởng, phó các phòng chức năng, Ban giám đốc các Điện lực, đội trưởng, đội phó đội vận hành lưới cao thế thuộc Công ty Điện lực Hòa Bình.

50 tổ chức, cá nhân ký cam kết thực hiện quy định trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng

(HBĐT) - Cục QLTT tỉnh vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. 50 tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã tham dự.

Khó khăn giải tỏa, di dời các điểm tập kết cát, sỏi dọc hai bờ sông Đà

Bài 1- Những vấn đề về quy hoạch khu tập kết cát, sỏi

(HBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 03 ngày 22/1/2019 của UBND tỉnh là Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh tập kết cát, sỏi (TKCS), vật liệu xây dựng, xây dựng các loại công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và ở bãi sông… Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có biện pháp cưỡng chế nếu các tổ chức, cá nhân không chấp hành, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không chỉ đạo xử lý dứt điểm xong trước ngày 15/5/2019. Tuy nhiên, đến hết tháng 6, công việc giải tỏa, di dời các điểm TKCS trên địa bàn tỉnh, trong đó có các điểm tập kết dọc hai bờ sông Đà, TP Hòa Bình vẫn còn bề bộn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) chây ỳ không chấp hành chỉ đạo của UBND tỉnh.

Điều chỉnh một số hạng mục thi công thuộc công trình đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1. Đây là dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục còn dư giai đoạn 2014 - 2016 của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, tổng mức đầu tư được duyệt là 250 tỷ đồng.

Tìm hướng gỡ khó giải ngân kế hoạch đầu tư công

(HBĐT) -Căn cứ các quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh đã sớm quyết định giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) nguồn NSNN năm 2019 cho các công trình dự án và thông báo đến các chủ đầu tư để triển khai thực hiện. Theo đó, tổng kế hoạch VĐTC năm nay được Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT giao cho tỉnh ta là 1.884.419 triệu đồng, trong đó, vốn trong cân đối ngân sách địa phương 852.390 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) 631.971 triệu đồng (không bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia); vốn CTMTQG 400.058 triệu đồng. HĐND tỉnh giao 2.470.619 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh (CĐNST) giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ là 586.200 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục