(HBĐT) - Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; tăng thu ngân sách cho địa phương; giúp tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân... là những kết quả tích cực sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/HU ngày 16/4/2013 của Huyện ủy Lạc Thủy về thu hút đầu tư giai đoạn 2013 - 2018.


Những ngày trung tuần tháng 7, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty CP May Lạc Thủy diễn ra khẩn trương, tích cực. Đã bước sang nửa cuối năm, các đơn đặt hàng may mặc xuất khẩu sang các nước về nhiều. Ông Nguyễn Ngọc Thú, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Kể từ năm 2015, doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định tại xã Cố Nghĩa. Qua đó, tạo việc làm cho 630 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4,3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi ngày sản xuất được 4.000 sản phẩm là quần âu. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc. Song song với việc được tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách để đi vào hoạt động, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với địa phương.

Trong lĩnh vực công nghiệp có Công ty CP Wilson đặt nhà máy ván ép và sản xuất đồ gỗ trong xây dựng tại xã Phú Thành. Doanh nghiệp đi vào hoạt động từ năm 2016, tạo việc làm cho 120 lao động địa phương với mức lương bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Lĩnh vực nông nghiệp có Công ty Hòa Phát tại xã Đồng Tâm với ngành nghề chăn nuôi lợn công nghệ cao. Công ty sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, hàng năm được cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá tác động về môi trường thực hiện đảm bảo.

Thu hút đầu tư có bước chuyển rõ nét, tạo diện mạo công nghiệp tại vùng kinh tế động lực. Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy nhận định: Kết quả đạt được là từ Nghị quyết số 14-NQ/HU của Huyện ủy. Để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ thu hút đầu tư, UBND huyện đã lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của huyện đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2131/QĐ-UBND ngày 16/9/2013, trong đó, huyện có 9 xã nằm trong vùng động lực của tỉnh. Đồng thời, ban hành các chương trình hành động về thực hiện và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; kế hoạch về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1294/QĐ-UBND ngày 27/9/2016 về việc kiện toàn tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo thu hút đầu tư huyện để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn.


Công nhân Công ty CP May Lạc Thủy (Lạc Thủy) chuẩn bị lô hàng xuất sang thị trường Mỹ theo đơn đặt hàng.

Công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai thực hiện tốt. Cụ thể là các quy hoạch đã được phê duyệt như quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu công nghiệp Thanh Hà với diện tích 282,14 ha; quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp (CCN) xã Phú Thành I diện tích 23,63 ha, CCN xã Phú Thành II diện tích 138,03 ha, CCN Đồng Tâm diện tích 22,8 ha, CCN xã An Bình diện tích 22,85 ha, CCN Thanh Nông diện tích 35,2 ha. UBND huyện đang trình UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch các CCN Yên Bồng I, II, III tại xã Yên Bồng với tổng diện tích 198,65 ha.

Giai đoạn 2013 - 2018, từ ngân sách huyện đã dành khoảng 420 tỷ đồng và tranh thủ các nguồn vốn T.Ư, tỉnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nhằm kêu gọi thu hút đầu tư. Tiêu biểu như hạ tầng kỹ thuật CCN xã Đồng Tâm với tổng mức đầu tư gần 8,7 tỷ đồng, hạ tầng kỹ thuật CCN xã Phú Thành II tổng mức đầu tư 61 tỷ đồng, hạ tầng du lịch huyện Lạc Thủy tổng mức đầu tư 81 tỷ đồng, đường từ quốc lộ 21 đi hang Luồn với tổng mức đầu tư 23 tỷ đồng, cải tạo và nâng cấp đường tỉnh 438B, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ tổng mức đầu tư gần 218 tỷ đồng, đường từ xã Phú lão đi xã Liên Hòa tổng mức đầu tư 83 tỷ đồng...

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục, chế độ, chính sách và tiến độ thực hiện đối với 26 dự án. Ngoài ra, huyện chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với các phòng, ban, cơ quan chuyên môn tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các luật có liên quan, giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong quá trình thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng 16 dự án đầu tư. Tiếp tục thực hiện việc thu hồi, hỗ trợ nhà đầu tư thỏa thuận đền bù các dự án Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình, dự án khu du lịch tâm linh xã Phú Lão... Trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các lĩnh vực thuộc cấp huyện giải quyết như thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, đăng ký kinh doanh, thuế, thủ tục vay vốn...

Đến nay, toàn huyện có 48 dự án với tổng số vốn đăng ký khoảng 13.930,6 tỷ đồng, tăng 16 dự án so với năm 2013. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp có 28 dự án, nông nghiệp 8 dự án, khai thác chế biến khoáng sản 7 dự án. Đã có 25/45 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh, chiếm 55,6%. Các dự án còn lại đang thực hiện thủ tục đầu tư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cơ bản đảm bảo tiến độ, bước đầu giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 75 tỷ đồng trong cả giai đoạn. Một số dự án lớn đang được triển khai thực hiện như dự án nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện, cảng Xuân Thiện Lạc Thủy; dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Lão; dự án nhà máy xử lý rác thải xã Đồng Tâm, dự án khu du lịch tâm linh xã Phú Lão...

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện ghi nhận: Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết về thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, tạo tiền đề cho việc thu hút đầu tư trong những giai đoạn tiếp theo. Các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đều đạt và vượt. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 13,5%, tổng giá trị sản xuất đạt 2.582 tỷ đồng, tăng 1.357 tỷ đồng so với năm 2013. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 60,8 tỷ đồng, tăng 12,5 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 10,22%, giảm 5,21%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, tăng 24,53% so với năm 2013.

 

Bùi Minh


Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục