(HBĐT) - Tỉnh ta có tiềm năng về mặt nước và sự phong phú, đa dạng của các loài thuỷ sản. Hồ thuỷ điện Hoà Bình được coi là kho tàng quý về thuỷ sinh vật và nguồn lợi thuỷ sản của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, từ khi hồ thuỷ điện được hình thành thì việc tổ chức, quản lý, khai thác và phát triển nguồn lợi thuỷ sản chưa được coi trọng. Mặt khác, do điều kiện KT- XH vùng lòng hồ còn nhiều khó khăn, lao động thiếu việc làm, ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của một bộ phận dân cư chưa cao nên đã sử dụng các phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, làm cho nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt.
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy, đến nay, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) đã có 540 lồng cá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của xã.
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng, nhằm tạo sinh kế cho người dân lao động, sản xuất theo hướng bền vững, tập trung, ngày 13/6/2014, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020. Triển khai thực hiện NQ đã mang lại hiệu quả thiết thực với cuộc sống người dân vùng hồ.
Khai thác lợi thế tiềm năng mặt nước vùng hồ
Với mục tiêu tập trung sản xuất thâm canh các loài cá chủ lực và bản địa theo hướng bền vững; phát triển hợp lý nghề nuôi cá lồng trong các thủy vực lớn, tạo việc làm ổn định cho lao động thuộc các xã ven hồ. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng bè thành các vùng nuôi thủy sản tập trung, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm , nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngay sau khi NQ số 12 được triển khai, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình. Chính sách hỗ trợ cho hộ, nhóm hộ, HTX, trang trại nuôi thủy sản bằng lồng bè có quy mô 50 m3 trở lên thuộc vùng quy hoạch nuôi thủy sản tập trung được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, từ khi NQ và chính sách hỗ trợ được ban hành đã khuyến khích mạnh mẽ phong trào nuôi cá lồng trên vùng hồ, lồng cá nuôi tăng cả về số lượng và chất lượng.
Người dân xóm Túp, xã Tiền Phong (Đà Bắc) phát triển nuôi cá lồng, góp phần nâng cao thu nhập.
Từ cuộc sống khó khăn, bấp bênh do chỉ dựa vào trồng ngô, sắn và khai thác thủy sản tự nhiên trên hồ Hòa Bình, vài năm gần đây, kinh tế gia đình ông Bùi Văn Hồng, xóm Liếm, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) có nhiều khởi sắc nhờ đầu từ nuôi cá lồng và được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của tỉnh. Ông Hồng cho biết: Tận dụng lợi thế mặt nước, gia đình đầu tư 5 lồng nuôi cá chiên, lăng, trắm. Trước đây, lồng làm bằng tre, luồng chỉ sử dụng được 2 - 3 vụ là mục nát khiến chi phí làm lồng tốn kém. Từ khi gia đình được hỗ trợ kinh phí làm 1 lồng khung sắt đã giúp sản xuất hiệu quả, an toàn hơn. Hiện nay, toàn bộ lồng nuôi cá của gia đình tôi đã làm bằng khung sắt, phao nhựa. Có phương tiện sản xuất bền vững và được học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá lồng bè qua tài liệu, sách báo, lớp học nghề đã giúp gia đình làm ăn tốt hơn, hạn chế rủi ro bởi dịch bệnh, thiên tai. Sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi, nhất là với cá chiên có giá trị kinh tế cao. Năm 2018, gia đình tôi thu được hơn 100 triệu đồng từ nuôi cá lồng. Tính giá trị kinh tế thì nuôi cá gấp 5 - 6 lần so với trồng ngô, sắn.
Cũng như gia đình ông Bùi Văn Hồng, những năm qua, hàng nghìn hộ dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình có cơ hội đổi đời từ đầu tư nuôi cá lồng, trong đó có vai trò đòn bẩy từ thực hiện NQ số 12-NQ/TU. Qua những đợt kiểm tra tại các huyện, thành phố của Sở NN&PTNT cho thấy, đa số lồng nuôi hiện nay làm theo công nghệ mới, lồng lưới khung sắt dần thay thế lồng làm bằng bương, tre. Hộ tham gia nuôi đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật, quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Đối tượng nuôi có giá trị, năng suất, chất lượng cao như các loại cá chiên, lăng, vược, bỗng, trắm đen, rô phi, tầm, lóc... phát triển mạnh. Đến thời điểm hiện tại, trên hồ thủy điện Hòa Bình đã phát triển được 4.250 lồng nuôi cá, tăng 1.933 lồng so với năm 2015, vượt 750 lồng so với mục tiêu NQ đến năm 2020.
Từng bước thay đổi phương thức nuôi trồng nhỏ lẻ, phân tán
Những năm qua, song song với phát triển số lượng lồng nuôi, việc liên danh, liên kết, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào nuôi cá lồng, tạo thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được xác định là mục tiêu quan trọng. Trên địa bàn tỉnh đang có 35 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn, chiếm 60% tổng số lồng nuôi và chiếm 70% tổng sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trong, ngoài tỉnh. Có 2 doanh nghiệp đầu tư nuôi hơn 200 lồng theo công nghệ tiên tiến.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo thành vùng sản phẩm hàng hóa lớn. Đến nay, có 7 doanh nghiệp đã ký kết liên doanh với các hộ nuôi cá lồng hợp quy chuẩn, theo hướng VietGAP đảm bảo ATTP, mỗi năm cung cấp trên 2 nghìn tấn cá thương phẩm ra thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với hộ dân nên sản lượng cá nuôi luôn có đầu ra ổn định.
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc chia sẻ: Thực hiện NQ số 12 của BTV Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng, hiện tại, huyện Đà Bắc có 1.909 lồng cá, trong đó 1.066 lồng được thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh. NQ triển khai thực hiện đáp ứng sự mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân nên đã nhận được sự đồng thuận. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách thu hút đầu của tỉnh, trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu như Công ty TNHH Hưng Nguyên tại xã Tiền Phong nuôi khoảng 180 lồng. Tập đoàn Mavin thực hiện dự án quy mô lớn, trên diện tích khoảng 100 ha mặt hồ tại xã Hiền Lương, nguồn cá hướng tới xuất khẩu ra thị trường châu Âu. Hoạt động của các doanh nghiệp rất cần được nêu bật, tuyên truyền để thúc đẩy, động viên doanh nghiệp.
Có thể nói, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp là hạt nhân thúc đẩy các hộ từng bước thay đổi sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp tham gia liên kết với doanh nghiệp cùng nâng cao hiệu quả, giá trị tăng thêm trong sản xuất. Trong vùng hồ thủy điện Hòa Bình đang có 41 cơ sở, mỗi cơ sở nuôi trên 20 lồng; 2 cơ sở, mỗi cơ sở nuôi trên 100 lồng. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, tương ứng khoảng 500 lồng nuôi.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, các mô hình, dự án liên kết sản xuất, nghiên cứu khoa học, thử nghiệm vật nuôi mới đã có thành công nhất định, là tiền đề phát triển nuôi cá lồng mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới. Cụ thể là tỉnh ta đã thực hiện thành công chuỗi ATTP cá sông Đà; có 2 chuỗi dự án liên kết theo chuỗi giá trị tại 5 huyện, thành phố với quy mô 300 lồng nuôi, 70 hộ tham gia bằng nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới; 3 đề tài khoa học ứng dụng công nghệ cao nuôi cá lồng trên vùng hồ và 1 đề tài ương cá giống trong lồng...
Sức sống mới của người dân vùng hồ
5 năm qua, thực hiện NQ số 12 của BTV Tỉnh ủy đã tạo sức sống mới cho người dân vùng hồ vốn còn nhiều khó khăn. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả, NQ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Tỉnh đã cân đối từ các nguồn vốn với tổng số tiền thực hiện chính sách trên 230 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30,9 tỷ đồng nuôi mới 2,6 nghìn lồng cá cho 1,7 nghìn hộ thuộc 5 huyện, thành phố có diện tích mặt nước. Cụ thể, TP Hòa Bình có 508 lồng/298 hộ với số tiền 6.517,5 triệu đồng; huyện Mai Châu 484 lồng/472 hộ, 7.525 triệu đồng; Đà Bắc 1.066 lồng/552 hộ, 10.402,5 triệu đồng; Cao Phong 230 lồng/76 hộ, 1.885 triệu đồng; Tân Lạc 314 lồng/304 hộ, 4.565 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp và nhân dân tự đầu tư gần 200 tỷ đồng phát triển nuôi cá lồng bè.
Thống kê và đánh giá đến thời điểm hiện tại, số lồng nuôi cá trên vùng hồ Hòa Bình đã đạt 4,25 nghìn lồng, tăng 3,58 nghìn lồng so với năm 2013 và tăng 1,93 nghìn lồng (bằng 183,43%) so với năm 2015; so với mục tiêu đến năm 2020 vượt 21,43%. Phát triển và đóng mới lồng cải tiến có khung sắt, phao nổi vững chắc đã giúp thay thế hơn 1.000 lồng tạm, lồng làm bằng bương, tre, luồng. Sản lượng nuôi và khai thác thủy sản cũng tăng từng năm, năm 2018 đạt 6.600 tấn, tăng gấp 2,28 lần so với năm 2015 (2.888 tấn), vượt 17,86% so với mục tiêu năm 2020 (5.600 tấn).
Giá trị sản xuất theo giá so sánh ngành thủy sản năm 2018 đạt 254 tỷ đồng, tăng 65% so với trước khi ban hành NQ; theo giá hiện hành đạt 560 tỷ đồng, chiếm 77% giá trị sản xuất ngành thủy sản, tăng 24% so với trước khi ban hành NQ. Thu nhập bình quân 1 lồng nuôi 50 m3 đạt từ 50-70 triệu đồng/năm, tương đương giá trị thu được của 0,5 ha nuôi ao nước tĩnh. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước đạt 197 triệu đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2013 (77,42 triệu đồng).
Nhằm giúp người dân vùng hồ có kiến thức KHKT trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá để phát triển nuôi bền vững, hạn chế rủi ro, những năm qua, tỉnh đã dành kinh phí để các đơn vị chức năng tổ chức 45 lớp dạy nghề nuôi cá lồng cho 1.500 lượt lao động nông thôn vùng hồ, hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 2.000 lượt nông dân. Phát triển nuôi cá lòng hồ đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động, tăng 2.500 lao động so với năm 2015 và vượt 2.200 lao động so với mục tiêu NQ đề ra đến năm 2020.
Hiện tại, nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phát triển mạnh. Sản phẩm tôm, cá sông Đà được người tiêu dùng ưu chuộng. Nhãn hiệu chứng nhận tôm - cá sông Đà Hòa Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Hoàng Nga
Đẩy mạnh liên kết giúp người dân tiêu thụ sản phẩm
Bùi Văn Nhàn Chủ tịch UBND xã Ngòi Hoa (Tân Lạc)
Những năm gần đây, xã Ngòi Hoa đã tận dụng lợi thế mặt
nước phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện, toàn xã có 535 lồng cá, đạt 114% kế
hoạch. Người dân chú trọng nuôi các giống cá có giá trị, được thị trường ưa
chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao như cá chiên, lăng, trắm đen, trắm cỏ,
rô phi... Đặc biệt là nuôi cá chiên, nếu phòng, chống dịch bệnh tốt sẽ mang
lại hiệu quả lớn. Cá có trọng lượng từ 2 - 3 kg bán với giá 350 nghìn
đồng/kg; cá to hơn có thể bán tới 450 nghìn đồng/kg.
Năm qua, sản lượng cá nuôi của xã đạt khoảng 30 tấn. Có
những lồng cá bán được 150 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư cho lãi khoảng 70 -
80 triệu đồng. Xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh mở lớp dạy
nghề, chuyển giao KHKT cho người dân, giúp nâng cao hiệu quả lao động sản xuất.
Sản phẩm làm ra thường được tư thương đến mua tại lồng,
chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững,
giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, xã mong muốn được liên kết sản xuất
theo chuỗi giá trị và áp dụng quy trình sản xuất sạch để nâng cao giá trị sản
phẩm.
Người dân mong muốn được chuyển giao kỹ thuật để hạn chế rủi ro khi nuôi cá lồng
Bàn Thị Quý Phó Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa (Đà Bắc)
Sau khi BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12 về phát
triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, xã Vầy Nưa đã quán triệt,
triển khai nghị quyết sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Theo đó,
đối với những xóm có diện tích mặt hồ đã thực hiện Nghị quyết rất hiệu quả.
Các hộ đăng ký nuôi cá lồng và được hưởng chính sách hỗ trợ làm lồng khung
sắt. Hiện tại, xã Vầy Nưa có trên 480 lồng nuôi cá. Nghề nuôi cá lồng đã giúp
cuộc sống của người dân Vầy Nưa ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từng
năm. Nhiều hộ có cuộc sống khấm khá khi đầu tư nuôi từ 5 - 7 lồng. Việc phát
triển nghề cũng góp phần hạn chế tình trạng khai thác thủy sản mang tính hủy
diệt trên vùng hồ.
Trong thời gian tới, xã mong tiếp tục được hỗ trợ phát
triển nuôi cá lồng bè. Đồng thời, qua thực tế sản xuất, người dân mong muốn
được học nghề, chuyển giao kỹ thuật về làm lồng, cách chọn vị trí đặt lồng
cũng như kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá nhằm hạn chế
rủi ro trong sản xuất, đưa nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững. |
(HBĐT) - Sáng 1/8, Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM của tỉnh tổ chức Hội nghị thẩm định, bỏ phiếu xét công nhận 8 xã đạt chuẩn NTM đợt 1 năm 2019 gồm: Đông Lai, Thanh Hối (Tân Lạc); Vạn Mai (Mai Châu); Hợp Hòa, Trường Sơn, Hợp Thanh, Tân Thành, Long Sơn (Lương Sơn). Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Tiếp tục phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), 7 tháng năm 2019, cùng nguồn ngân sách tỉnh cấp 1 tỷ đồng, ngân sách huyện cấp 1 tỷ đồng, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân đóng góp 40,77 triệu đồng, nâng tổng số nguồn Quỹ HTND lên 31,534 tỷ đồng.
Chiều 31-7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Uỷ ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại chủ trì cuộc họp của Uỷ ban đánh giá kết quả sáu tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm.
(HBĐT) - Dự án "Nâng cao năng lực tự quản tại cộng đồng” do tổ chức Bánh Mì cho thế giới (BfdW) triển khai thực hiện từ năm 2017 tại 4 xã: Nuông Dăm, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Cuối Hạ (Kim Bôi).
(HBĐT) - Để sản phẩm rau, quả hữu cơ được công nhận đảm bảo chất lượng, an toàn, quá trình canh tác phải tuân thủ nguyên tắc "5 không” (không sử dụng phân hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại, không dùng những chất biến đổi gen, không dùng chất kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc diệt cỏ). Rau sau khi thu hoạch được đưa vào nhà sơ chế, đóng bao bì có dán mác, tem. Người tiêu dùng có thể truy cập mã vạch để biết nguồn gốc, xuất xứ cũng như toàn bộ quy trình trồng rau quả… Việc sản xuất nông sản hữu cơ ở huyện Lương Sơn đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc.