Bài 2 - Chăm lo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lâu dài

(HBĐT) -Doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, để thực hiện mục tiêu gia tăng, phát triển số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì giải pháp căn cơ trước mắt cũng như lâu dài phải thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế phát triển lành mạnh. Tạo lập môi trường minh bạch, quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, chăm lo thiết thực cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển các hoạt động KT-XH.


Công ty CP lạc Thủy hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động địa phương.

Nhiều rào cản khai sinh, phát triển doanh nghiệp

So với bình quân chung cả nước, tỷ lệ người dân/doanh nghiệp của tỉnh còn rất thấp. Bên cạnh đó, quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98%. Tỉnh chưa có những doanh nghiệp lớn như các địa phương khác. Toàn tỉnh có hơn 36.000 hộ kinh doanh cá thể, nhiều hộ kinh doanh cá thể không không muốn phát triển thành doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong những năm gần đây cho thấy: Môi trường kinh doanh của tỉnh đang chuyển động tích cực, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh có cải thiện, năm 2018 tăng 4 bậc so với năm 2017. Đặc biệt, tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đang nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư vào những lĩnh vực du lịch, thương mại, công nghiệp quy mô lớn với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng/dự án. Tỉnh cũng đã chú trọng chăm sóc các dự án sau cấp phép.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn. Doanh nghiệp mất nhiều thời gian làm các thủ tục hành chính (TTHC) để triển khai dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cấp giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy; cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác. Sau đăng ký kinh doanh vẫn có nhiều khó khăn để doanh nghiệp hoạt động; các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai còn nhiều khó khăn. Chi phí chính thức để triển khai dự án cũng ở mức cao. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng làm mất thời gian và gây ảnh hưởng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là những rào cản ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển doanh nghiệp. Trong 6 tháng năm nay, số lượng doanh nghiệp cấp mới giảm 30,9%, số vốn đăng ký giảm 24,2%; 74 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh; 13 doanh nghiệp tự nguyện giải thể.

 "Truy” trách nhiệm việc chậm chễ giải quyết thủ tục hành chính

Các doanh nghiệp cho rằng: Đến nay, các cơ chế, chính sách từ T.Ư đến địa phương ngày càng tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các chủ trương, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đang có nhiều vấn đề cần giải quyết. Vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa chủ trương và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cơ chế phối hợp xin ý kiến trả lời của các cơ quan chức năng về thẩm định dự án đầu tư còn quá chậm, mất nhiều thời gian của nhà đầu tư. Trách nhiệm công vụ ở một số sở, ngành chưa cao, nhất là từ các phòng, ban, cấp chuyên viên...

Chính vì những khó khăn, phức tạp trong quy trình TTHC nên nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp. Bởi thực tế, khi thành lập doanh nghiệp rồi phải đối mặt những vấn đề phức tạp không cần thiết. Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP 26/3 Hòa Bình (TP Hòa Bình), để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có rất nhiều vấn đề cần giải phải quyết. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt hiện nay là phải tập trung giải quyết được "nút thắt” trong cơ chế phối hợp xin ý kiến thẩm định dự án đầu tư. Vì thực tế quá trình này mất rất nhiều thời gian và phức tạp. Doanh nghiệp phải chờ đợi từng cơ quan giải quyết, có kết quả cơ quan này mới sang cơ quan khác để nộp hồ sơ. Nhiều khi các sở, ngành chưa có sự thống nhất, khi một sở, ngành nào đó không cho ý kiến là tắc ngay dự án. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ xử lý văn bản ở một số sở, ngành còn hạn chế, chưa chuyên sâu nên không giải quyết được cụ thể nội dung công việc. Thực tế này khiến doanh nghiệp rất bức xúc, nản lòng đầu tư.

Để cải thiện tình trạng này, theo ông Hà Văn Thắng, trước mắt, tỉnh cần phải tạo áp lực cho các sở, ngành cải thiện mạnh mẽ việc xin ý kiến, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình xin ý kiến, thay vì làm thủ công như hiện nay, tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp làm các thủ tục đầu tư. Cần thực hiện có cơ chế kiểm soát trách nhiệm thực thi công vụ của từng cán bộ các phòng, ban chuyên môn, cũng như giám đốc các sở, ngành. "Truy” trách nhiệm đến cùng trong việc thực hiện các thủ tục cho nhà đầu tư. Kiên quyết thay thế những cán bộ, công chức không có năng lực, trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo áp lực cho các phòng, ban, cán bộ, công chức, phải có tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, kèm theo cơ chế xử lý. Bên cạnh đó, cần có chế độ thỏa đáng cho cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư làm các TTHC. Đặc biệt, phải chăm sóc tốt các dự án sau đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với chính sách tín dụng, phát triển sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng…
Theo ông Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX chú trọng vào giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho thành viên và xã hội. Để các HTX hoạt động hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ các HTX tổ chức tốt khâu đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có sản lượng lớn, ổn định… Vì thực tế, vùng sản xuất của tỉnh chưa đáp ứng các đơn hàng của doanh nghiệp lớn.

Liên quan đến vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường cho các thành phần kinh tế phát triển, tại nhiều cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Các cấp, ngành cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chia sẻ, đồng hành, gắn bó, chăm lo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lâu dài, tập trung cho sản xuất bền vững, không để đánh mất nguồn lực, cơ hội phát triển của tỉnh. Thiết lập đường dây nóng kịp thời tiếp nhận, xử lý kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp và nhà đầu tư; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết các TTHC, góp phần cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, minh bạch, hỗ trợ tốt nhất cho cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án, ý tưởng sản xuất, kinh doanh.


                                                                                    Lê Chung

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục