Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) không chỉ góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản mà trong bối cảnh hội nhập, ở nhiều thị trường quốc tế, còn trở thành một điều kiện bắt buộc để nông sản được cấp phép nhập khẩu. Chính vì vậy, xây dựng CDĐL không còn là câu chuyện khuyến khích mà đang trở thành yêu cầu cấp bách để nông sản Việt hội nhập thành công.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản

Thanh long Bình Thuận đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: ĐÌNH CHÂU

BÀI 2: Để nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý

Nâng cao nhận thức

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số ít nông sản Việt có CDĐL là do yếu tố sản xuất truyền thống từ lâu đời. Cụ thể, hiện chúng ta có nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu hằng năm hơn một tỷ USD như: gạo, cà-phê, hồ tiêu, hạt điều, đồ gỗ, lâm sản… nhưng đều xuất khẩu nguyên liệu thô là chính dẫn đến hầu như các doanh nghiệp cũng như người sản xuất chưa có ý thức đầy đủ về giá trị của việc đăng ký CDĐL. Trong khi đó, những sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước như một số loại trái cây, trà, rau củ… phần lớn được thu mua qua thương lái cho nên vấn đề CDĐL cũng không được quan tâm. Ngoài ra cũng phải kể đến tâm lý mua hàng của người tiêu dùng trong nước chưa thật sự chú ý đến nhãn hiệu hay xuất xứ hàng hóa. Chính vì vậy, cả một thời gian dài chúng ta chưa có điều kiện cũng như động lực xây dựng CDĐL. Mấy năm trở lại đây, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đối tác nhập khẩu yêu cầu cung cấp đầy đủ xuất xứ hàng hóa, cộng với nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước thay đổi thì CDĐL đã được quan tâm xây dựng và khai thác. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng không dễ dàng. Giám đốc Trung tâm Thẩm định CDĐL và nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) Lưu Đức Thanh nhận định: "Việc đăng ký bảo hộ CDĐL phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là nhu cầu thực tế của cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất cũng như định hướng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các địa phương. Khác với các hình thức bảo hộ nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận, CDĐL là một hình thức khá đặc thù. Sản phẩm đăng ký CDĐL phải có danh tiếng, chất lượng đặc thù do các điều kiện tự nhiên, con người quyết định; hồ sơ đăng ký khá phức tạp, gắn với quá trình nghiên cứu, phân tích về chất lượng sản phẩm, điều kiện sản xuất (đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu…). Do đó, không chỉ cần kinh phí xây dựng hồ sơ mà còn cần năng lực xây dựng hồ sơ với những yêu cầu chi tiết và cần nhiều thời gian. Hiện nay, ở các địa phương, việc xây dựng CDĐL vướng cả ở hai khâu đó”. Điều này đúng với nhiều sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang). Như chia sẻ của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên Đàm Ngọc Hưng: "Từ năm 2017, tỉnh đã có chủ trương và giao cho các ngành chức năng phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ để đăng ký bảo hộ CDĐL cho cam sành Hàm Yên. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm thủ tục, đến giữa năm 2019 mới được duyệt kinh phí thực hiện. Từ lúc có kinh phí đến xây dựng hoàn thiện hồ sơ còn cả một chặng đường dài”.

Về thực trạng khai thác CDĐL kém hiệu quả, nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều phía, trong đó có yếu tố về quản lý. Hiện nay, CDĐL do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, khuyến khích việc canh tác và xây dựng chuỗi; Bộ Công thương xúc tiến thương mại. Tuy nhiên trên thực tế, sự liên kết này vẫn chưa thật sự chặt chẽ để tạo ra những chuỗi sản phẩm có CDĐL đạt giá trị cao, được thị trường trong nước và nước ngoài đón nhận. Tại các địa phương có sản phẩm được cấp CDĐL, thì việc quy hoạch vùng trồng chi tiết nhằm bảo đảm quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Mặt khác, giữa người sản xuất và doanh nghiệp cũng chưa có sự kết nối thuần thục để tạo ra những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường cũng như chưa có chiến lược dài hơi quảng bá hình ảnh sản phẩm.

Phát huy hiệu quả

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, sau một vài năm chững lại thì hiện tại, số lượng hồ sơ đăng ký CDĐL nộp lên Cục đang có chiều hướng gia tăng, một phần xuất phát từ nhu cầu bảo hộ trong quá trình hội nhập, phần khác do CDĐL đã từng bước khẳng định rõ ràng hơn về hiệu quả. Do đó, để đẩy nhanh việc cấp CDĐL cho nông sản, các địa phương cần xác định rõ các sản phẩm đặc thù và có lộ trình cụ thể làm hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên hiện nay, trách nhiệm xây dựng hồ sơ đăng ký CDĐL được giao về cho các cơ quan quản lý nhà nước, thiếu sự chủ động và tham gia của các tổ chức tập thể, doanh nghiệp và người dân; việc lựa chọn dấu hiệu, loại sản phẩm, khoanh vùng khu vực địa lý… chưa thống nhất, dẫn đến nhiều hạn chế cho hoạt động quản lý và sử dụng CDĐL sau khi được bảo hộ. Đáng chú ý, trong hoạt động quản lý CDĐL, vai trò của nhà nước, tập thể cũng chưa rõ ràng. Điều này không chỉ tạo gánh nặng lên quản lý Nhà nước mà còn hạn chế sự phát huy năng lực, trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân.

Giải pháp cho vấn đề này, Giám đốc trung tâm thẩm định CDĐL và nhãn hiệu quốc tế Lưu Đức Thanh cho biết, để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả của các CDĐL được bảo hộ, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến CDĐL, nhất là khung chính sách ở tầm quốc gia. Hiện, Cục Sở hữu trí tuệ đang tích cực hoàn thiện, nhất là đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ đăng ký cũng như tổ chức quản lý CDĐL. Về phía địa phương, nên chủ động xây dựng mô hình tổ chức quản lý và sử dụng CDĐL phù hợp, chú trọng nâng cao và thúc đẩy vai trò của các tổ chức tập thể, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất. Các quy định về quản lý CDĐL nên tiếp cận theo hướng đơn giản, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sử dụng. Cùng đó là gắn việc xây dựng, sử dụng CDĐL với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhất là chương trình mỗi xã một sản phẩm để hoàn thiện, quản lý chất lượng. Điều này vô cùng quan trọng vì đăng ký CDĐL chỉ là bước xác lập về quyền sở hữu trí tuệ, là một trong nhiều công cụ để tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại. Việc nông sản Việt có thể vào được thị trường các nước hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: điều kiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; năng lực mở rộng và phát triển thị trường của doanh nghiệp; chất lượng và sự ổn định về chất lượng sản phẩm, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm để đáp ứng các rào cản kỹ thuật của các nước… Chính vì vậy, ngoài việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, cần có các giải pháp mạnh mẽ về tổ chức sản xuất, chế biến và xây dựng chất lượng sản phẩm gắn với yêu cầu thị trường.

Ngoài những yếu tố về quản lý nhà nước và pháp lý nêu trên, cần tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu và nâng cao vai trò của CDĐL trên thị trường. Ở cấp độ quốc gia, cần một chương trình tổng thể nhằm xây dựng các công cụ, hoạt động quảng bá như, xây dựng lô-gô CDĐL quốc gia, hội chợ CDĐL… để CDĐL trở thành dấu hiệu nhận diện và lựa chọn của người tiêu dùng. Đối với các sản phẩm cụ thể, mỗi địa phương cần có chiến lược xây dựng hình ảnh bài bản, có thể gắn mỗi CDĐL với một câu chuyện về thổ nhưỡng, khí hậu, con người… nhằm tạo ra những "giá trị vô hình” cho sản phẩm. Thực tế cho thấy, rất nhiều nông sản của các quốc gia trên thế giới đã tận dụng thành công cách làm này. Và người tiêu dùng không chỉ mua một món hàng với giá trị hữu hình mà thứ thu hút họ nhiều hơn có thể lại chính là "giá trị vô hình” từ vùng đất sản sinh ra nó.

Có thể thấy, xây dựng CDĐL đang trở thành yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với nông sản. Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do thì vấn đề sở hữu trí tuệ, CDĐL gần như là yếu tố bắt buộc, sống còn để hàng hóa được quyền tham gia những "cuộc chơi” lớn. Việc đăng ký CDĐL cũng không còn giới hạn tại thị trường trong nước mà phải tìm cách đăng ký CDĐL ở nước ngoài để tạo thương hiệu quốc tế cho nông sản Việt. Vì vậy, những yêu cầu cấp bách này cần được sự chung tay, vào cuộc giải quyết nhanh và hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như của doanh nghiệp và người sản xuất, để CDĐL thật sự phát huy giá trị, trở thành "điểm tựa” cho nông sản Việt vươn ra toàn cầu.

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 6-8-2019.

Hiện nay, việc xây dựng CDĐL cho nông sản ở Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, chưa trở thành một đòi hỏi mang tính bắt buộc. Vì vậy các sản phẩm nông sản dù đi đến được nhiều quốc gia trên thế giới nhưng thế giới vẫn không biết đến thương hiệu của nông sản Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thật sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng CDĐL nông sản. Tới đây việc bảo hộ CDĐL không chỉ cần được đăng ký trong nước mà quan trọng hơn là còn phải đăng ký tại các thị trường nước ngoài để tránh tình trạng CDĐL đó có thể bị doanh nghiệp nước khác đăng ký và độc quyền sử dụng, khai thác.

VŨ XUÂN TRƯỜNG

Chuyên gia về thương hiệu, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Chương trình 135 tạo lực đẩy xây dựng nông thôn mới

(BĐT) - Huyện Lạc Sơn được đánh giá là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt Chương trình 135. Hiệu quả từ chương trình đã tạo tiền đề vững chắc để bức tranh nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, tạo điều kiện giúp bà con dân tộc thiểu số nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Thực hiện chỉ tiêu số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tăng gấp đôi so với năm 2015

Bài 1 - Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt chỉ tiêu: Số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả tăng gấp đôi so với năm 2015, tương đương toàn tỉnh phải có 1.600 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. UBND tỉnh đang giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương quyết liệt phấn đấu thực hiện chỉ tiêu này.

Những phi vụ đầu tư ném tiền của VEAM

Những sai phạm tại nhiều đơn vị thuộc Tổng Công ty Cổ phần Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dưới thời các ông Nguyễn Thanh Giang, Lâm Chí Quang và Trần Ngọc Hà, đã hé lộ những phi vụ làm ăn kiểu ném tiền Nhà nước qua cửa sổ.

Đà Bắc thiệt hại gần 3 tỷ đồng do cơn bão số 3

(HBĐT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 từ ngày 2/8/2019 đến 10h ngày 4/8/2019 trên địa bàn huyện Đà Bắc đã sảy ra mưa lớn trên diện rộng. Mưa kéo dài nhiều giờ liên tục với lượng lớn đã gây ra các hiện tượng lũ cục bộ ở những con suối, và sạt lở đất tại các địa phương trong huyện.

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 4.382 tỷ đồng

(HBĐT) - 6 tháng năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4.382 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị ngành trồng trọt đạt 2.318 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 66 nghìn ha, bằng 100,12% so với kế hoạch. Diện tích cây lương thực có hạt vụ chiêm xuân ước đạt 34 nghìn ha, đạt 100% so với kế hoạch; sản lượng cây lương thực có hạt đạt 16,9 vạn tấn, tăng 1,8% so với kế hoạch.

Phát triển nuôi cá lồng bè thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung

(HBĐT) - Tỉnh ta có tiềm năng về mặt nước và sự phong phú, đa dạng của các loài thuỷ sản. Hồ thuỷ điện Hoà Bình được coi là kho tàng quý về thuỷ sinh vật và nguồn lợi thuỷ sản của vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, từ khi hồ thuỷ điện được hình thành thì việc tổ chức, quản lý, khai thác và phát triển nguồn lợi thuỷ sản chưa được coi trọng. Mặt khác, do điều kiện KT- XH vùng lòng hồ còn nhiều khó khăn, lao động thiếu việc làm, ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của một bộ phận dân cư chưa cao nên đã sử dụng các phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, làm cho nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục