Sáng mãi mùa thu cách mạng
Sinh ra khi đất nước đã hòa bình, lịch sử đau thương nhưng đầy oanh liệt của quê hương thế hệ con cháu chỉ được biết qua sách vở, tài liệu. Với riêng tôi tự thấy mình là người may mắn bởi nhiều lần được gặp gỡ, trò chuyện với những lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa như các cụ: Nguyễn Văn Hậu, Lê Thị Tâm, Trần Hữu Phúc, Nguyễn Công Mão... "Những cánh chim đầu đàn” của cách mạng tỉnh nhà giờ đã khuất núi, chỉ còn cụ Lê Thị Tâm, nguyên tổ trưởng Tổ phụ nữ cứu quốc, Chủ tịch UBND thị xã Hoà Bình cũng gần 100 tuổi. Một con người sống gần cả thế kỷ, nếm trải những lúc gian lao, khổ ải nhất khi quê hương bị quân thù dày xéo, vậy mà cụ Tâm hay cụ Hậu, cụ Phúc, cụ Mão khi còn sống chưa bao giờ quên thời kỳ tiền khởi nghĩa và giờ phút thiêng liêng giành chính quyền ở tỉnh lỵ.
Qua hồi tưởng của cụ Tâm mới thấy, không tự hào sao được khi trước năm 1945, thị xã Hoà Bình nghèo khổ, nhỏ bé là thế, trong khi quân giặc thì ráo riết tuần tra, lùng sục, bắt bớ cán bộ, quần chúng hòng bóp chết phong trào ngay từ trứng nước. Vậy mà mọi hoạt động của ta vẫn diễn ra an toàn, phong trào không những không bị đàn áp mà ngày càng phát triển mạnh mẽ...
Đến nay, cụ Tâm vẫn còn nhớ lắm thời điểm đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Hòa Bình lên cao, nhất là tại thị xã Hoà Bình. Hầu hết các khu phố, xóm, làng đều lập đội, tổ tự vệ cứu quốc. Để giác ngộ cách mạng, các tổ chức, đoàn thể cứu quốc đã tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua truyền đơn, biểu ngữ, áp phích... Truyền đơn, khẩu hiệu được truyền đi khắp thị xã, vào cả dinh tỉnh trưởng, các công sở, trại lính bảo an... Đặc biệt, có lần vào phiên chợ Phương Lâm, chờ lúc chợ họp đông người, hội viên cứu quốc đã giật dây cho hàng trăm truyền đơn được treo sẵn trên những cây bàng bay rải khắp chợ để nhân dân và tiểu thương được tuyên truyền, giác ngộ.
Kết cấu hạ tầng của thành phố Hòa Bình từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chí đô thị hóa.
Sử sách ghi lại, cao trào của Tổng khởi nghĩa tại tỉnh ta là cuộc nổi dậy của nhân dân thị xã Hòa Bình ngày 22/8/1945 đã làm cho bộ máy chính quyền bù nhìn đầu tỉnh hoàn toàn rệu rã. Đông đảo binh lính, công chức đã biểu thị công khai đứng về phía cách mạng nhưng tỉnh trưởng bù nhìn vẫn ngoan cố. Đến 14h ngày 23/8/1945, cùng sự hỗ trợ của đoàn quân khởi nghĩa từ các chiến khu, cuộc vượt sông Đà đánh chiếm chính quyền tỉnh bắt đầu. Cuộc vượt sông diễn ra trong khí thế hào hùng. Lực lượng cách mạng cùng đông đảo nhân dân xã Hòa Bình - Thịnh Lang sục sôi khí thế tiến vào khu vực doanh trại, các công sở chính quyền bù nhìn đầu tỉnh. Trước tình thế đó, tỉnh trưởng đã hoảng sợ đầu hàng cách mạng.
4h ngày 23/8/1945, cuộc mít tinh chào mừng UBND cách mạng lâm thời tỉnh được tổ chức ngay tại sân phủ bộ đường. Ngày hôm sau, theo sự chỉ đạo của Ban cán sự tỉnh, Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh và UBND cách mạng lâm thời tỉnh, chi bộ, Mặt trận Việt Minh và UBND cách mạng lâm thời thị xã Hòa Bình tổ chức cuộc mít tinh lớn tại chợ Phương Lâm trong niềm vui vô hạn của nhân dân, bởi từ đây được làm chủ cuộc sống.
Sức vươn thành phố trẻ
Suốt chiều dài lịch sử, cán bộ, nhân dân TP Hòa Bình luôn khắc sâu năm tháng hào hùng của cách mạng mùa thu. Thắp sáng truyền thống anh hùng, từ một thị xã nghèo khó bên sông Đà, giờ đây, TP Hòa Bình đã mang vóc dáng của một đô thị văn minh và đang có bước đi vững chắc để nâng tầm lên đô thị loại II.
Thế hệ chúng tôi tuy không trải qua sự ác liệt khi quê hương có quân xâm lược, song vẫn biết về cuộc sống gian truân, thiếu thốn sau chiến tranh kéo dài. Tôi còn nhớ rõ bữa cơm độn sắn nhiều hơn gạo. Đi học chỉ có 2 bộ quần áo đổi nhau cùng chiếc xe đạp lọc tọc bàn đạp bút chì mà nhiều bạn vẫn còn bảo sướng. Lớp học toàn nhà tranh, vách đất, mùa đông gió lùa rét buốt, cầm bút mà không viết nổi chữ. Hôm nào được bố mẹ cho đi xe ngựa, sau này là xe lam để ra chợ Phương Lâm chơi, rồi mua cho chiếc kem mút của người đi bán rong thì sung sướng lắm.
Nhớ về tuổi thơ để thấy cuộc sống hôm nay đáng trân trọng biết bao khi mỗi người đang được sống, học tập và làm việc trong môi trường thuận lợi với nhiều sự lựa chọn. Đặc biệt là bộ mặt đô thị của thành phố được "thay áo mới”. Sau 14 năm được nâng lên đô thị loại III (tháng 11/2005), TP Hòa Bình đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Cơ cấu kinh tế của thành phố có tốc độc tăng trưởng cao liên tục qua từng năm và chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Hiện, TP Hòa Bình đạt thu nhập bình quân 57 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,05%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt gần 74%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành đạt 89,21%. TP Hòa Bình mở rộng là đầu mối giao thông liên vùng. Có 67,29% tuyến phố đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị trên tổng số đường chính trong khu vực nghiên cứu; 98,38% đường phố chính được chiếu sáng. Toàn thành phố có 7 siêu thị, trung tâm thương mại như: AP Plaza, Vincom Plaza, Hoàng Sơn, Vì Hòa Bình... đáp ứng nhu cầu mua sắm, hưởng thụ những dịch vụ hiện đại, tiện ích của người dân...
Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, TP Hòa Bình đã khẳng định xứng đáng là đô thị trung tâm toàn tỉnh. Là một trong những động lực chủ đạo góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT - XH và đô thị hóa của toàn tỉnh. Đồng thời là đô thị có vai trò quan trọng trong vùng Thủ đô.
Bình Giang