Anh Xa Văn Huy, xóm Doi, xã Hiền Lương (Đà Bắc) vay vốn Agribank Hòa Bình 100 triệu đồng đầu tư 20 lồng cá cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng mỗi năm.
Anh Xa Văn Huy, xóm Doi, xã Hiền Lương (Đà Bắc) đưa chúng tôi đi thăm khu vực nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình. Khoảng 20 lồng cá hiện đang phát triển tốt với các loại cá: lăng, chiên, trắm, ngạnh, rô phi… Theo anh Huy, từ nguồn vốn 100 triệu đồng vay của Agribank mà từ chỗ chỉ có 1 - 2 lồng cá, đến nay, gia đình anh đã phát triển được trên 20 lồng cá. Hiện nay, bình quân thu nhập mỗi năm trừ chi phí đạt từ 100 - 150 triệu đồng. Đây là số tiền đáng kể so với vùng đất tiếp giáp hồ Hòa Bình vốn luôn khó khăn, chủ yếu là đồi núi không có mặt bằng như nhiều địa phương khác.
Anh Xa Văn Huy cho hay: "Việc nuôi cá vùng hồ vốn đã được các hộ tại địa phương thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây, do không có nguồn vốn nên người dân đa phần nuôi nhỏ lẻ có nhiều bất cập. Vốn ít không có điều kiện áp dụng KH-KT, sản lượng thấp nên đầu ra bấp bênh. Khi tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, người dân mở rộng diện tích nuôi, đồng thời có điều kiện áp dụng KH-KT, khắc phục được nhiều vấn đề về bệnh của cá cho thành công, hiệu quả hơn”.
Cũng với nguồn vốn của Agribank Hòa Bình, đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có điều kiện mở rộng nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình. Theo anh Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cường Thịnh (TP Hòa Bình), nhờ nguồn vốn vay hàng chục tỷ đồng của Agribank Hòa Bình (chiếm khoảng 20% vốn điều lệ của công ty), công ty có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực thủy sản với thương hiệu "Cường Thịnh Fish”, tập trung nghiên cứu, đầu tư và khai thác thủy sản tại lòng hồ Hòa Bình; chủ động đầu tư mô hình quy chuẩn với quy mô 250 lồng, theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN, VietGAP…
Được biết, ngoài phát triển nuôi cá lồng quy mô lớn, Cường Thịnh Fish còn chia sẻ hợp tác với các hợp tác xã, hộ gia đình trong từng công đoạn con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc và đặc biệt là bao tiêu đầu ra. Mỗi năm, Công ty Cường Thịnh cung cấp nghìn tấn cá các loại tới các siêu thị và nhà bán buôn trên toàn quốc.
Hiện nay, toàn tỉnh có 4.250 lồng nuôi cá, tập trung chủ yếu tại khu vực hồ Hòa Bình. Những năm qua, các doanh nghiệp, hộ gia đình không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tập trung nuôi thả các loài cá đặc sản như chiên, lăng, tầm, bỗng, trắm đen... cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Về phía nguồn vốn của ngân hàng, theo lãnh đạo Agribank Hòa Bình, thống kê tổng dư nợ đến nay của Agribank Hòa Bình trên dưới 10.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm từ 87 - 90% tổng dư nợ. Đối với riêng lĩnh vực phát triển cá lồng tại khu vực hồ Hòa Bình, Agribank Hòa Bình hiện cho vay gần 100 khách hàng, gồm cả hộ gia đình và doanh nghiệp với tổng dư nợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Lãi suất cho vay trong lĩnh vực này luôn thuộc hàng thấp nhất so với bình quân lãi suất cho vay toàn hệ thống.
Có thể nói, trong những năm qua, từ nguồn vốn của Agribank Hòa Bình đã và đang phát huy rõ rệt trên khu vực lòng hồ Hòa Bình thông qua việc thúc đẩy cho vay nuôi thả cá lồng có hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian tới, tỉnh chủ trương khai thác tối đa tiềm năng mặt nước vùng hồ Hòa Bình, chú trọng phát triển theo hình thức nuôi lồng bè thành các vùng chuyên canh tập trung, quy mô lớn và hiệu quả kinh tế cao, từ đó tạo sức bật mới trong chiến lược phát triển sản xuất ngành thủy sản. Trong đó, nguồn vốn từ Agribank đóng vai trò lớn đối với sự phát triển lĩnh vực nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình. Qua đó, đóng góp đáng kể vào phát triển KT-XH địa phương, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân tận dụng lợi thế mặt nước hồ Hòa Bình mở rộng diện tích nuôi thả cá, từng bước phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Hồng Trung