(HBĐT) - Trên vùng núi cao mù sương, nơi có những cây chè shan tuyết chứng kiến những đổi thay của đất trời, thiên nhiên cây cỏ ở độ cao trên dưới 1.000 m của xã  Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu); Yên Hòa, Trung Thành (Đà Bắc). Hương vị của đất trời thấm đẫm trong từng chén chè mang thương hiệu shan tuyết Pà Cò.


Một góc vùng chè nguyên liệu của Công ty TNHH SX&KD giống cây trồng Phương Huyền 

Đậm đà hương vị trà shan tuyết

Tắm nắng, ngậm sương qua từng năm tháng, rừng chè shan tuyết vẫn âm thầm chắt lọc tinh túy từ mẹ thiên nhiên để cho ra búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết vì vậy người ta gọi là chè shan tuyết (shan là núi, tuyết là trắng) có những gốc chè mộc mạc rêu phong đã gắn bó với vùng cao hàng trăm năm. Thời kỳ bao cấp đã được bà con dân tộc vùng cao gọi là chè rừng cũng đã trở thành một sản phẩm hàng hoá trao đổi có giá trị. Trong các phiên chợ đều có sự góp mặt của chúng, được mọi người ưa thích.

Ngược những con dốc quanh co theo triền núi, chúng tôi tìm đến bản Chà Đáy, nơi được coi là thủ phủ của cây chè cổ thụ Pà Cò. Nhấp một chén trà, cụ Sùng A Tô (73 tuổi) kể lại: Già sinh ra đã thấy những gốc chè to hai, ba người ôm rồi. Cũng không biết cây chè đã có ở đây từ bao giờ, chỉ nghe các cụ nói lại thôi. Chuyện xưa có con chim đại bàng từ đâu bay đến, ăn quả rồi nhả ra một hạt rất lạ. Hạt đó rơi xuống đất, lớn lên thành cây. Người dân đem lá cây nhấm thử, thấy tinh thần sảng khoái, từ đó mà truyền nhau lấy lá về vò uống. Rừng chè ngày ấy chiều rộng chỉ chừng cây số nhưng trải dài đến hàng chục km, có đến hàng nghìn, hàng vạn cây chè và có lẽ phải mất đến hàng tuần mới đếm hết được rừng chè. Ngày ấy, cây chè cũng mọc tự nhiên như cây trong rừng, bà con không biết đến chăm sóc, bón tỉa. Họ cứ hái, thậm chí chặt cả cành, cho vào chảo gang, phơi trên gác bếp dùng dần. Khách đến nhà người Mông trước nhất phải mời uống chè. Lúc mệt mỏi, uống chén chè nóng làm cho tinh thần sảng khoái. Trẻ con Mông sinh ra vẫn dùng lá chè cổ thụ sát vào da thịt để giữ màu da và giúp cho bàn chân, bàn tay đi rừng, leo núi dạn dày.


Thu hái chè shan tuyết cổ thụ ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu.


Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty TNHH SX&KD giống cây trồng Phương Huyền thường xuyên phổ biến kỹ thuật cho người dân vùng nguyên liệu để có được những sản phẩm chè tốt nhất.

Bên bếp lửa bập bùng, cụ Sùng A Lứ năm nay đã hơn 80 tuổi ở xóm Pà Háng lớn, xã Pà Cò (Mai Châu) kể: Cách chế biến loại chè này cũng không cầu kỳ. Người ta hái những búp chè non, ngọt, còn ngậm sương núi vào lúc sáng sớm rồi mang về phơi tãi trên một tấm phên đan treo đu đưa phía trên bếp. Dưới đốt củi, hơi nóng đó làm cho những cánh chè tái đi rồi săn lại. Khi những cánh chè đã sẫm màu, săn lại người ta cho vào những ống nứa treo trên gác bếp, lúc dùng thì lấy xuống pha nước. Cũng vì thế mà người ta gọi là chè đu đưa. Với cách làm này, tuy vẫn giữ được vị ngọt của chè nhưng hương lại lẫn tạp với mùi oi khói, khó uống, khó thưởng thức với những người chưa quen. 

Chắp cánh cho thương hiệu chè shan tuyết

Đã có lúc, những cây chè shan tuyết ở Pà Cò mọc thành rừng bạt ngàn, nhưng khi cơn bão thuốc phiện tràn qua, người ta đã tưởng cây chè cổ thụ mất hẳn trên đỉnh núi mờ sương. May mắn thay, bằng sự quyết tâm của bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty TNHH SX&KD giống cây trồng Phương Huyền và bà con người Mông Pà Cò, cây chè shan tuyết đang dần hồi sinh, thương hiệu chè Pà Cò đang dần khẳng định uy tín trên thị trường. Mang suy nghĩ mở rộng vùng chè, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho nông dân, bà đã lặn lội đến những vùng núi cao đó tìm hiểu, động viên bà con trồng, phát triển cây chè nâng cao thu nhập. 

Cùng với liên kết với Dự án Giảm nghèo của tỉnh, Công ty đã cung cấp giống chè shan tuyết cho bà con các xã. Dự án hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật còn người nông dân bỏ công chăm sóc, thu hái, vấn đề chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp lo. Cho đến giờ, sau nhiều năm bền bỉ thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi cùng Dự án giảm nghèo, vùng chè nguyên liệu đã trở nên rộng lớn lên tới 350 ha tại các xã Trung Thành, Yên Hòa (Đà Bắc) và Pà Cò (Mai Châu). Trong đó, ngoài một số diện tích đang thời kỳ kiến thiết, nhiều đồi chè trên 3 năm tuổi đã bắt đầu thu hoạch, chu kỳ thu hoạch kéo dài khoảng 40 năm. Chính từ chuỗi liên kết này, doanh nghiệp đã đồng hành với hàng nghìn hộ nghèo người dân tộc Mường, Tày, Mông giảm nghèo bền vững.

Các chuyên gia chè trong nước nhận định: Chất lượng chè được khẳng định bằng độ cao, chè càng trồng ở nơi có độ cao sẽ càng ngon, đậm vị. Với sản phẩm chè shan tuyết đặc sản được trồng trên núi cao, áp dụng chăm sóc, thu hái và chế biến nghiêm ngặt theo quy trình ViệtGAP, sản phẩm của Công ty TNHH SX&KD giống cây trồng Phương Huyền đang tiếp tục khẳng định chỗ đứng và vươn xa chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh các đối tác làm ăn lớn ở các thị trường: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng..., một phần sản lượng chè cũng được tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh với hệ thống các siêu thị (Vì Hòa Bình, Hoàng Sơn PLAZA), đại lý, cửa hàng bán lẻ Nguyên Anh…

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty TNHH SX&KD giống cây trồng Phương Huyền cho biết: Tỉnh ta có nhiều vùng đất tiềm năng phát triển cây chè, nhất là chè shan tuyết trên núi cao – nơi khí hậu phù hợp. Để hương chè shan tuyết thơm hơn bay xa hơn, Công ty đã lựa chọn cây chè shan tuyết đầu dòng nhân giống cung cấp cho bà con trồng thành những đồi chè bạt ngàn và đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại nhằm tăng cường liên kết sản xuất, tạo chuỗi sản phẩm. Chè được đưa vào chế biến theo quy trình chặt chẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phải giữ được hương vị chè shan tuyết đặc trưng là khi pha trà có màu vàng sánh như mật ong, hương thơm tinh khiết, có vị ngọt dịu sâu lắng đậm đà. Năm 2016, sản phẩm chè shan tuyết của Công ty vượt qua 650 sản phẩm của các doanh nghiệp đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trở thành 1 trong số 79 sản phẩm người tiêu dùng bình chọn nhiều nhất, được vinh danh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. Đặc biệt, sản phẩm chè shan tuyết Pà Cò của Công ty được đánh giá xấp hạng là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2019.

Hải Linh


Các tin khác


Trải nghiệm khu dân cư kiểu mẫu ở xã Ngọc Lương

(HBĐT) - Con đường bê tông kiên cố, sạch sẽ ở xóm Trường Sơn, những trái bưởi Diễn chín vàng thoảng hương thơm đặc trưng ở xóm Đại Đồng hay bức tranh kinh tế nông thôn sôi động, đa dạng các ngành nghề kinh tế tại xóm Chềnh… là những nét chấm phá rất mới mẻ trong bức tranh nông thôn ở Ngọc Lương hôm nay. Đây cũng chính là những khu dân cư nông thôn mới (KDC NTM) kiểu mẫu và vườn mẫu đã được xây dựng thành công tại xã Ngọc Lương và đang từng bước nhân rộng ra toàn huyện Yên Thủy.

Vốn chính sách mang mùa xuân no ấm

(HBĐT) - Trong cái hối hả của những ngày cuối năm, chúng tôi đồng hành cùng cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đến những địa chỉ sử dụng nguồn vốn vay từ NHCSXH. Chúng tôi có thêm những cảm nhận về trách nhiệm của những người chung sức đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mùa xuân no ấm đã về với những hộ nghèo, gia đình chính sách.

Các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho 19.411 lao động

(HBĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 khu công nghiệp với quy mô từ 77 - 282 ha, dọc theo các trục QL 6, đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường Hồ Chí Minh, thuận tiện và giao thông, điện nước.

Có 248 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản

(HBĐT) - Đến nay, toàn tỉnh có 248 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, gồm 245 HTX và 3 chi nhánh HTX có đăng ký hoạt động, với khoảng 4.960 thành viên và 19.245 lao động thường xuyên, một HTX có khoảng từ 18-25 thành viên.

Tân Lạc chuyển dịch từ trồng ngô lấy hạt sang ngô sinh khối

(HBĐT) - Ở vài vụ sản xuất gần đây, thay vì trồng ngô lấy hạt theo cách truyền thống, một số diện tích được người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối. Với 2 vụ/năm, thường thì ở vụ hè thu, diện tích trồng ngô sinh khối chủ yếu đáp ứng nhu cầu thu mua của các đơn vị tỉnh ngoài. Vụ đông xuân, bà con giữ lại hầu hết diện tích để phục vụ chăn nuôi. Điều đáng nói là trồng ngô sinh khối, thời vụ được rút ngắn hơn, giá trị thu nhập tương đương so với trồng ngô lấy hạt. Tân Lạc là một trong những địa phương chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối khá mạnh.

Thông xe kỹ thuật cầu Hòa Bình 3 và đường dẫn

(HBĐT) - Sáng 17/1, UBND thành phố Hòa Bình tổ chức lễ thông xe kỹ thuật công trình cầu Hòa Bình 3 và đường dẫn. Dự buổi lễ có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hòa Bình cùng đông đảo cán bộ, nhân dân xã Trung Minh và phường Thịnh Lang…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục