(HBĐT) - Sau những ngày "ngủ đông”, trong tiết xuân ấm áp, cây cối đâm chồi, nảy lộc, kết nụ, đơm bông, cũng là thời điểm mùa ong ở Lạc Sỹ (Yên Thủy) sinh sôi, cho nhiều mật ngọt và chất lượng mật thơm ngon nhất. Nghề nuôi ong đã giúp nhiều hộ dân ở đây thoát nghèo bền vững và mang đến cho khách hàng gần, xa những giọt mật thơm ngọt, quý giá.


Cấp ủy, chính quyền xã Lạc Sỹ (Yên Thủy) thăm hỏi, động viên các hộ trên địa bàn duy trì và phát triển nghề nuôi ong.

Từ trung tâm huyện Yên Thủy, vượt qua hơn 20 km đường dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi đến xã Lạc Sỹ, vùng đất có 530 hộ, hơn 2.300 nhân khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Mường cùng gắn kết, chung sống ở 5 xóm. Chỉ tay về những cánh rừng bạt ngàn, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Sỹ Bùi Văn Quynh chia sẻ: "Cả xã có 2.500 ha rừng, thu nhập chính của người dân từ trồng rừng, nuôi ong và nuôi lợn bản địa. Toàn xã hiện có 808 đàn ong. Thức ăn của ong là các loại hoa rừng, hoa keo nên chất lượng mật ong ở Lạc Sỹ rất thơm ngon và được khách hàng gần xa ưa chuộng.

Ở Lạc Sỹ, người nuôi ong biết tính mùa hoa để "gây” ong giống sao cho vòng đời ong nở ra đúng thời điểm lấy mật. Vào đúng vụ hoa keo, theo chu kỳ 10 ngày mỗi cầu ong sẽ quay mật 1 lần. Những năm được mùa, mỗi đàn ong có thể cho từ 10 - 14 lít mật. Ông Bùi Văn Dựng ở xóm Nghìa cho biết: Gia đình tôi có 15 đàn ong, bình quân mỗi năm thu hoạch được 150 lít, giá bán khoảng 200.000 đồng/lít. Đến thời điểm này cả xã đã "cháy hàng”, mỗi nhà chỉ để lại số lượng mật nhất định để duy trì đàn ong trong thời tiết lạnh giá”.

Nhẹ nhàng nhấc một cầu ong lên kiểm tra, ông Dựng chia sẻ: "Nghề nuôi ong đòi hỏi sự cầu kỳ nếu không cẩn thận, tỷ mỷ ong rất dễ bỏ tổ. Nghề nuôi ong cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu mưa nắng thất thường thì sản lượng mật giảm, thậm chí có những năm còn bị mất mùa. Vì thế năm nào rét quá thì phải ủ ấm, mùa hè nóng bức thì phải tạo cho không gian thoáng mát”. Tuy nhiên, vốn đầu tư để nuôi ong mật không quá cao, lại không mất nhiều diện tích đất, nguồn thức ăn chủ yếu sẵn có trong rừng, nên nuôi ong trong điều kiện "mưa thuận, gió hòa” là hướng phát triển kinh tế thiết thực và hiệu quả.

Với tổng số 50 đàn, gia đình ông Bùi Minh Sàn ở xóm Sào Hót là hộ nuôi ong nhiều nhất ở Lạc Sỹ, ông Sàn cho biết: "Hằng ngày, phải chăm sóc đàn ong tỉ mỉ và khoa học với nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa… Sản lượng mật khai thác được nhiều hay ít phụ thuộc vào hai yếu tố: thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc thì ong sẽ lấy mật nhanh; đàn ong phải khỏe, trong thùng phải bảo đảm có từ 8 - 10 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh. Nuôi ong muốn mật nhiều và chất lượng thì không thể ngồi yên một chỗ. Khi hết mùa hoa phải biết dưỡng ong, cho ăn thêm thức ăn để nuôi ong và tạo mật.”

Dù chưa thành lập hội hay câu lạc bộ, nhưng khi phong trào nuôi ong phát triển đã tạo nên sự gắn kết giữa những người có cùng sở thích ở Lạc Sỹ. Từ đó, những hộ nuôi ong mới vào nghề được những người có kinh nghiệm trao đổi, hỗ trợ về kỹ thuật. Những hộ hoàn cảnh khó khăn được các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp để vay vốn đầu tư sản xuất. Đặc biệt các hộ nuôi ong ở Lạc Sỹ luôn bảo ban nhau giữ vững "thương hiệu”, để mật ong Lạc Sỹ là sản phẩm đặc sản có giá trị cao trong lòng khách hàng. Hơn nữa được sự hỗ trợ của tổ chức "Tầm nhìn thế giới”, mấy năm gần đây mật ong Lạc Sỹ đã có vỏ chai, nhãn mác riêng cho đặc sản quê mình.

Cùng với rừng keo, đàn lợn, ngày ngày người dân Lạc Sỹ vẫn cần mẫn chăm sóc đàn ong của mình. Khắp các bản Mường ở xã vùng 135 này tràn ngập niềm vui vì mật ong quê mình đã được đưa vào danh mục sản phẩm Ocop của huyện Yên Thủy. Hy vọng, khi xây dựng thành công, con ong và mật ong Lạc Sỹ sẽ được nhiều người quan tâm hơn, giúp người nuôi ong xã Lạc Sỹ phát triển kinh tế và làm giàu cho gia đình, quê hương.

Đức Phượng


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục