(HBĐT) - Ngày 18/2, tại tỉnh Sơn La, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với tỉnh Sơn La nhằm thông qua báo cáo đầu kỳ, thống nhất một số nội dung tổ chức triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư. Tiếp và làm việc với đoàn công tác của tỉnh ta có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Sơn La về dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu
Dự buổi làm việc còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh Sơn La và Hòa Bình; lãnh đạo các sở, ngành và đại diện các Huyện ủy, Thành ủy của hai tỉnh; các chuyên gia của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Công ty cổ phần đầu tư cao tốc Hòa Bình – Sơn La và Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).
Theo đó, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu với chiều dài 85 km, tổng mức đầu từ trên 22.000 tỷ đồng được nghiên cứu khảo sát, thiết kế với phạm vi, quy mô: Điểm đầu tuyến cao tốc giao với Quốc lộ 6 tại Km66+700 (thuộc địa phận xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Điểm trung gian đi qua địa phận thành phố Hòa Bình, các huyện Đà Bắc, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và huyện Vân Hồ, Mộc Châu (tỉnh Sơn La). Điểm cuối giao với Quốc lộ 43 (thuộc địa phận xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, Sơn La).
Tuyến đường được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, cơ bản phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019. Trong đó, qua nghiên cứu thực tế, đơn vị tư vấn có thay đổi phương án tuyến từ vị trí vượt lòng hồ sông Đà sang hướng tuyến tại khu vực xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.
Để tổ chức triển khai dự án theo Quyết định 579 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sơn La đã ký thoả thuận giao Công ty cổ phần đầu tư cao tốc Hoà Bình - Sơn La (nhà đầu tư) tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và thống nhất với UBND tỉnh Hoà Bình để ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo toàn tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu. Đến nay, nhà đầu tư cùng với các đơn vị tư vấn đã khảo sát, nghiên cứu các phương án tuyến, hoàn thành báo cáo đầu kỳ.
Tại buổi làm việc, nhà đầu tư tiềm năng và đơn vị tư vấn đã báo cáo về tình hình triển khai, kết quả đạt được trong tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Để tiếp tục đảm bảo tiến độ lập báo cáo theo đúng thỏa thuận, nhà đầu tư đã kiến nghị với tỉnh Sơn La sớm thống nhất việc khảo sát chi tiết và lựa chọn phương án hướng tuyến của dự án; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông -Vận tải về việc thay đổi phương án, điều chỉnh điểm đầu tuyến và nâng cấp tuyến quốc lộ nối với điểm cuối dự án; chủ trì lập đánh giá tác động môi trường, khung chính sách giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn đã được phê duyệt.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình và Sơn La khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đối với quá trình phát triển KT-XH của tỉnh Hoà Bình, Sơn La cùng các tỉnh Tây Bắc.
Cho rằng, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu là dự án có quy mô lớn, nhiều công trình phức tạp đi qua địa bàn 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Vì vậy, trong quá trình triển khai cần sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các thành viên Ban Chỉ đạo toàn tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu của 2 tỉnh.
Các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, địa phương có liên quan sớm tham gia ý kiến, thống nhất lựa chọn phương án tuyến và các nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ báo cáo đầu kỳ, làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo. Xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành liên quan về báo cáo đầu kỳ, nhất là các vấn đề liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành, đảm bảo vừa đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, vừa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật... Đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để có cách nhìn tổng thể về quy mô, hướng tuyến đường, các địa danh tuyến đường đi qua, chủ động chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp thực hiện các công việc liên quan. Đồng thời, cho biết, tỉnh Hoà Bình và Sơn La sẽ phối hợp chặt chẽ cùng bàn bạc, đưa ra những phương án phù hợp nhất để có thể triển khai công trình đường cao tốc trong thời gian sớm nhất.
Hồng Trung
(HBĐT) - Ngày 17/2, đoàn công tác của Tỉnh ủy do đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra sản xuất tại huyện Lạc Thủy. Cùng đi có lãnh đạo và chuyên viên các sở: KH&ĐT, TN&MT, NN&PTNT, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy.
(HBĐT) - Theo Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được gần 5.000 ha, chiếm 6% tổng diện tích đất trồng trọt.
(HBĐT) - Vụ xuân 2020, huyện Lương Sơn có kế hoạch gieo trồng 4.180 ha; trong đó cây lúa 1.950 ha, cây màu các loại 1.730 ha, cây hàng năm khác 500 ha. Cơ cấu giống lúa vụ xuân gồm lúa lai chiếm 45%, lúa thuần chiếm 55%. Công tác chuẩn bị giống, vật tư phân bón được thực hiện tốt, giá cả ổn định, chủng loại đa dạng, chất lượng. Số lượng mạ đã gieo trên 70 tấn, chất lượng mạ tốt, không bị sâu bệnh và chết rét đảm bảo cấy 100% kế hoạch; lúa mới cấy sinh trưởng phát triển tốt.
(HBĐT) - Tỉnh ta có tiềm năng phát triển thuỷ sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước ao, hồ, công trình thuỷ lợi, thuỷ điện và nhiều sông, suối có thể nuôi cá lồng bè, hoặc tổ chức quản lý bảo vệ để tái tạo phát triển nguồn lợi cho khai thác tự nhiên. Bên cạnh đó, nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và khu hệ cá phân bố trên các loại thuỷ vực tương đối phong phú. Đây là tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản, góp phần thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân vùng có lợi thế.
Diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) đặt ra nhiều thách thức đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, gây ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực. Chính phủ khẳng định trong bối cảnh hiện nay chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng nhưng phải phản ứng nhanh về kinh tế để quyết tâm vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài.
Những thay đổi của lương cơ bản năm 2020 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên cả nước đều tăng so với năm 2019.