Cập nhật kịch bản tăng trưởng
Trên cơ sở dự kiến những tác động của dịch bệnh đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành, tương ứng hai khả năng: khống chế được dịch trong quý I và khống chế dịch trong quý II. Cụ thể: nếu khống chế dịch trong quý I, tăng trưởng GDP dự báo là 6,25% (giảm 0,55 điểm phần trăm so Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,96% (chỉ tiêu Quốc hội giao là kiềm chế lạm phát dưới 4%). Trường hợp khống chế dịch trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo là 5,96% (giảm 0,84 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,86%. Ðánh giá về các ngành, lĩnh vực chịu tác động của dịch, Bộ KH và ÐT dự báo kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm. Cụ thể, nếu khống chế dịch trong quý I, kim ngạch xuất khẩu giảm 8,3% so cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 3,2%; nếu dịch kéo dài đến hết quý II, kim ngạch xuất khẩu giảm 8,1% so cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu giảm 3,1%. "Các DN đánh giá, nếu tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu không sớm được cải thiện, khả năng chỉ cầm cự được hết tháng 2", Bộ KH và ÐT nhấn mạnh.
Với quan điểm "không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp", Bộ đề xuất nhóm giải pháp cần quyết liệt triển khai ngay. Trong đó, quan trọng nhất là ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch. Cùng với đó là các giải pháp hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Cụ thể: kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ các DN nhỏ và vừa (NVV), các HTX, hộ nông dân chịu ảnh hưởng của dịch, như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn, giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay. Giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ DNNVV; DN logistics, DN bán lẻ, DN sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, du lịch (gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi DN đã nộp đủ thuế...). Kiến nghị miễn, giảm tiền thuê đất của Nhà nước cho DN và người dân chịu ảnh hưởng trong thời gian diễn ra dịch, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát,...
Tính toán bước đi dài hạn
Theo các chuyên gia kinh tế, qua giai đoạn khó khăn này, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu, nhất là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu tác động lớn từ bên ngoài. Các chuyên gia tin tưởng Việt Nam vẫn có thể vượt qua bằng cách đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Anh Dương cho biết, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó hiệu quả các tác động bất lợi từ thị trường bên ngoài cũng như kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh, chính sách hỗ trợ kinh tế. Quan trọng nhất là cần có thái độ bình tĩnh để đưa ra ứng xử phù hợp. Trước diễn biến nhanh và phức tạp của Covid-19, Chính phủ và các bộ, ngành đang theo dõi, đánh giá rất sát sao, kịp thời diễn biến dịch bệnh, từ đó đưa ra giải pháp đúng mục tiêu, đúng liều lượng. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, trước mắt cần tập trung nghiêm túc thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ thị và công điện của Chính phủ đã ban hành về phòng, chống dịch bệnh. Từng bộ, ngành, địa phương, DN chủ động theo dõi và đánh giá tác động đối với lĩnh vực của mình để đưa ra biện pháp, giải pháp phù hợp; nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương, vốn là điểm yếu trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế; thông tin truyền thông minh bạch, chuẩn xác, kịp thời và quyết liệt xử lý những trường hợp tung tin không chính xác, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Theo các chuyên gia, khó khăn này đòi hỏi Việt Nam phải tính toán bước đi dài hạn, đẩy nhanh và mạnh hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một địa bàn, một thị trường. Ông Nguyễn Anh Dương phân tích: Vấn đề thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được đặt ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5-11-2016 của Bộ Chính trị, trong đó có yêu cầu xử lý mối quan hệ giữa tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã qua giai đoạn tìm cách xuất khẩu bằng mọi giá, giờ đây dành nhiều sự quan tâm hơn xem xuất khẩu đó là của ngành nào, DN Việt Nam tham gia đến đâu, giá trị gia tăng thu được có tăng trưởng bền vững không, DN có cải thiện được vị trí của mình trong chuỗi giá trị hay không. Những vấn đề này không mới, thậm chí nhức nhối trong nhiều năm, và chỉ có thể xử lý được bằng những biện pháp nhất quán trong chiến lược tổng thể. Từ năm 2019, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước chuyển biến nhất định trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và sức ép tương đối tích cực từ việc thực hiện Hiệp định CPTPP, nhất là sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định thương mại EVFTA ngày 12-2 vừa qua. Dịch bệnh Covid-19 đã và đang kéo theo hệ lụy đối với không ít DN, người dân, nhưng đây cũng là sức ép buộc chúng ta cân nhắc nghiêm túc, thấu đáo hơn yêu cầu cơ cấu mặt hàng, phân khúc và cơ cấu thị trường phù hợp. Chỉ đi theo hướng này, chúng ta mới bảo đảm hoạt động thương mại tăng trưởng bền vững ở kim ngạch, giá trị gia tăng và mức độ cạnh tranh của DN.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, việc tìm kiếm thị trường mới không để phụ thuộc thị trường Trung Quốc, kể cả cho sản phẩm đầu ra và nguyên liệu đầu vào là yêu cầu cấp thiết. Khi triển khai thực hiện EVFTA, 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế với điều kiện phải sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và các nước có ký hiệp ước với EU. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc sẽ không được miễn thuế, do đó cần có giải pháp giảm sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tính toán các gói kích thích kinh tế chỉ là phương án cuối cùng vì kinh nghiệm cho thấy gói kích thích kinh tế nhiều khi không hiệu quả. Nên chăng lúc này có thể nghiên cứu phương án nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa, cụ thể là tính đến khả năng hỗ trợ DN và hộ gia đình chịu tác động nhiều của dịch bệnh; giảm nhẹ lãi suất điều hành ở mức hợp lý vì dư địa giảm lãi suất không còn nhiều trong bối cảnh năm nay áp lực lạm phát đang tăng. Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính bắt đầu giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị y tế, nhưng phải đẩy mạnh hơn việc giảm thuế cho DNNVV theo Luật Hỗ trợ DNNVV. Nội dung này đã đề xuất năm 2019 nhưng chưa được Quốc hội thông qua. TheoNhanDan |