Đầu tư công vẫn là một trong những giải pháp quan trọng trong thu ngân sách Nhà nước đối với tỉnh ta. Ảnh: Một số cơ quan hành chính tỉnh xây dựng tại khu trung tâm Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình).
Thống kê cả nước có 12 địa phương tăng trưởng âm gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hòa Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong đó, chỉ số tăng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn của Đà Nẵng âm (-) 3,61%, Quảng Nam -11,51%, Khánh Hòa -12,02%, Bà Rịa - Vũng Tàu -6,87%, Hòa Bình -6,51%...
Nhìn chung, với các tỉnh, thành phố tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm phản ánh đúng thực tế tình hình kinh tế các địa phương này với tỷ trọng kinh tế dịch vụ chiếm rất lớn, đặc biệt là tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch.
Tuy nhiên, đối với tỉnh Hòa Bình, ngoài yếu tố dịch Covid-19 tác động, tình hình hạn hán dẫn đến sản xuất điện ảnh hưởng khá lớn. Riêng đối với Thủy điện Hòa Bình, trong 6 tháng đầu năm 2020 mới đạt khoảng 30% kế hoạch năm về sản xuất điện, với sản lượng điện sản xuất khoảng 2,5 tỷ kWh.
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng đầu năm đã ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực KT-XH của tỉnh. Cùng với đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhất là lĩnh vực dịch vụ; sản xuất công nghiệp gặp khó khăn nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Điều kiện khô hạn ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng sản xuất điện, dẫn đến kinh tế của tỉnh bị giảm sút so với cùng kỳ năm trước.
Những lĩnh vực chịu tác động lớn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế âm như: Công nghiệp - xây dựng giảm 14,36%, làm giảm 6,28 điểm % vào mức tăng trưởng (trong đó, công nghiệp giảm 18,45%, làm giảm 6,71 điểm %); dịch vụ giảm 2,51%, làm giảm 0,81 điểm %. Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 5,61%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 35,64%.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2020, lĩnh vực dịch vụ ước tính doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 4.187.911 triệu đồng, giảm 16,39% so với cùng kỳ năm trước, một số nhóm hàng dự tính có tốc độ giảm mạnh như: lương thực, thực phẩm ước tính giảm 15,53%; may mặc ước giảm 14,46%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước giảm 13,35%; xăng dầu ước giảm 41,37% so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải, doanh thu đạt 448.831 triệu đồng, giảm 31,95% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống giảm 29,6% so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, xác nhận 2.321 lao động phải tạm thời ngừng việc, 288 lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động của 69 doanh nghiệp; đã có 1.164 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đã thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 918 người, với tổng số tiền chi trả 12,3 tỷ đồng.
Riêng đối với thu NSNN, theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh, ước thu NSNN 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 1.365 tỷ đồng, bằng 32% dự toán pháp lệnh, bằng 28,6% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ thuế và phí ước thực hiện đạt 1.103 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất ước thực hiện 262 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm được Cục Thuế tỉnh chỉ ra cũng đều do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch. Hơn nữa, sản lượng điện sản xuất của Công ty Thủy điện Hòa Bình đạt thấp đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, dự tính nền kinh tế cả nước nói chung có nhiều chuyển biến tích cực bởi những gói kích cầu của Nhà nước, cùng hàng loạt giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương...
Mặc dù vậy, đối với tỉnh ta, mức thu NSNN từ Công ty Thuỷ điện Hoà Bình chiếm tỷ trọng khá lớn, với khoảng 29%. Trong khi dự báo tình hình thời tiết thời gian tới còn khá khắc nghiệt, khó có mưa nhiều khu vực thượng lưu, dẫn đến lưu lượng nước về không đạt như kỳ vọng. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến sản xuất điện của cả tỉnh, ảnh hưởng rất đáng kể đến nguồn thu NSNN trên địa bàn.
Theo đồng chí Trần Văn Thạch, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, để đạt con số thu NSNN khoảng 5.000 tỷ đồng trong năm 2020, tỉnh cần có những nguồn thu mang tính chất đột biến trong khoảng thời gian những tháng cuối năm.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trong thời gian tới, các ngành, đơn vị chức năng trong tỉnh cần tập trung thực hiện hiệu quả các dự án, công trình trọng điểm, động lực; tăng đầu tư công; tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch, đa dạng hóa, nâng cao sản phẩm du lịch; kích cầu các sản phẩm truyền thống địa phương; tăng cường đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Mặt khác, nguồn vốn cần được khơi thông bằng những chính sách phù hợp từ phía các ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh... có đủ nguồn lực, kịp thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Hồng Trung