(HBĐT) - Được vay vốn chính sách, người dân xã vùng cao Tân Minh (Đà Bắc) có điều kiện để đầu tư chăn nuôi trâu, bò và trồng rừng. Qua đó, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương để từng bước xóa đói, giảm nghèo.

 


Nhờ vốn chính sách, gia đình chị Xa Thị Thủy, xóm Cò Phày, xã Tân Minh (Đà Bắc) mua được trâu, bò giống để phát triển kinh tế.

Tân Minh cách trung tâm huyện Đà Bắc hơn 20 km, là xã đặc biệt khó khăn của huyện, nền kinh tế thuần nông. Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, đời sống KT-XH của bà con đã có những chuyển biến nhất định. Thế nhưng, do liên tục phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, đến nay, thu nhập của người dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao (49%).

Công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở xã vùng cao này còn nhiều nan giải. Tuy nhiên, những năm qua, bà con luôn nhận được sự đồng hành của vốn chính sách. Đồng chí Lường Văn Viễn, Chủ tịch MTTQ, cán bộ chuyên trách Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) xã Tân Minh chia sẻ: Nếu không có vốn vay ưu đãi của NHCSXH thì đời sống của bà con còn nhiều khó khăn hơn nữa. Nhờ được sự tạo điều kiện tiếp cận vốn chính sách, nhiều hộ dân mua được trâu, bò, phát triển đàn gia súc của gia đình lên tới cả chục con. Cùng với đó là đầu tư trồng keo, bồ đề,  trẩu, xóa được các ngôi nhà tạm bợ. Đến nay, tổng dư nợ chính sách trên địa bàn xã đạt trên 20 tỷ đồng, cho hơn 600 hộ vay vốn, xã có 13 tổ tiết kiệm và vay vốn.  

Vốn chính sách đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên khá giả. Có thể kể đến hộ ông Hà Văn Kiên, xóm Ênh hiện sở hữu đàn bò 15 con; hộ ông Hà Văn Thân, xóm Diều Nọi có hơn chục con trâu, bò. Hai hộ đều vay vốn từ chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH, sử dụng vốn vay mua trâu, bò giống. Nhiều hộ dân khác cũng đang học tập hộ ông Kiên, ông Thân đầu tư chăn nuôi gia súc để tiến tới xóa nghèo. 

Gia đình chị Xa Thị Thủy, xóm Cò Phày thuộc diện hộ cận nghèo, cách đây vài tháng được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình chị mạnh dạn mua thêm 3 con bò sinh sản. "Trước đây được vay vốn hộ nghèo, gia đình tôi mua trâu về nuôi, hiện đã có 4 con trâu. Vừa rồi, được NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn, gia đình tôi mua thêm 3 con bò nữa. Đây là những vật nuôi phù hợp ở địa phương. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc tốt để trâu, bò lớn nhanh, sau này có tiền trả lãi, trả nợ ngân hàng và phát triển kinh tế gia đình” - chị Thủy chia sẻ. 

Cùng đồng chí Lường Văn Viễn, chúng tôi đến xóm Diều Luông. Con đường trắc trở vào Diều Luông giờ đã được bê tông hóa thuận lợi, hai bên đường, những triền đồi trơ trọi ngày nào nay được bao phủ bởi sắc xanh của cây keo, bồ đề. Trò chuyện với Bí thư chi bộ xóm Diều Luông Lường Văn Hưng được biết, xóm có 88 hộ, trong đó, trên 50 hộ đang vay vốn của NHCSXH, với dư nợ gần 2 tỷ đồng. Cùng với đường giao thông thuận lợi, vốn chính sách đã giúp bà con xóm Diều Luông phát triển kinh tế. Như gia đình Bí thư chi bộ, trước đây cũng vay vốn chính sách, hiện không chỉ tất toán được khoản vay mà còn phát triển được đàn bò trên chục con. 

"Việc bình xét cho vay, cũng như giám sát sau giải ngân được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, vốn vay đều đúng đối tượng thụ hưởng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích. Là xã còn nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn của người dân lớn, vốn chính sách là động lực quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của xã. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát, hỗ trợ người dân vay vốn, sử dụng đồng vốn hiệu quả, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo”- đồng chí Lường Văn Viễn nhấn mạnh. 

                                                                            Viết Đào

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục