Nhờ ưu tiên bố trí nguồn vốn, dự án đường nối từ quốc lộ 6 với đường Chi Lăng kéo dài (TP Hòa Bình) được khẩn trương thi công theo kế hoạch.
Những năm qua, nhiệm vụ thu NSNN được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh đã thực hiện tốt chương trình hiện đại hoá thu NSNN kết nối giữa cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước với các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu ngân sách. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức, vận động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND, ngày 27/5/2020 về tổ chức phong trào "Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, nộp NSNN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2020”. Qua đó, thúc đẩy phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đạt số thu được giao năm 2020.
Mới đây, tại cuộc họp của UBND tỉnh đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chương trình hành động số 13 - CTr/TU, đồng chí Bùi Văn Đức, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Thu NSNN của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 tăng bình quân 18,3%/năm, cao hơn mục tiêu của Chương trình hành động là 17%/năm. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 đã có những khó khăn, ngày càng tác động tiêu cực tới việc cân đối thu, chi của địa phương. Tình trạng thiếu nước cho sản xuất thuỷ điện kéo dài từ năm 2019 đến nay, dự kiến cả năm 2020, sản lượng điện sản xuất của nhà máy Thủy điện Hòa Bình chỉ đạt hơn 8 tỷ kWh, giảm 4 tỷ kWh so với kế hoạch, tương đương với số thu nộp NSNN giảm 400 tỷ đồng. Cùng với đó, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển KT-XH, hoạt động SX-KD và thu nộp ngân sách của tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 28/3/2020 tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, do đó, doanh thu tính thuế của tổ chức, cá nhân thuộc diện phải tạm đình chỉ giảm mạnh. Ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm TTATXH trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó quy định những chính sách làm giảm thu NSNN. Vì vậy, dự kiến số thuế giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các doanh nghiệp, hộ gia đình trong tỉnh khoảng 100 tỷ đồng. Trước những khó khăn này, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp Cục Thuế bám sát tiến độ thu NSNN, kịp thời đề xuất những giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi, nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2020 ở mức cao nhất.
Về cơ cấu chi ngân sách, năm 2017, tỷ trọng chi thường xuyên của tỉnh chiếm 75%, chi đầu tư chỉ chiếm 25%. Đến năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi ngân sách địa phương đã tăng lên 35%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm xuống còn 65%, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động số 13-CTr/TU. Thực tế cho thấy, những năm qua, UBND tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp giảm chi thường xuyên, nhằm tăng cường nguồn lực cho chi đầu tư phát triển như: thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; tiến hành sắp xếp, giảm đơn vị sự nghiệp công lập, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả; kiện toàn, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng; thực hiện chính sách tinh giản biên chế cùng với cắt giảm biên chế…
Bên cạnh đó, sau khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã, số kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được do giảm đơn vị hành chính khoảng 266 tỷ đồng/năm. Đối với việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố, tổng kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở giảm khoảng 51,7 tỷ đồng/năm kinh phí chi thường xuyên.
Chú trọng cơ cấu lại ngân sách, giảm chi thường xuyên đã giúp tỉnh có thêm nguồn lực chi cho đầu tư. Theo đó, công tác an sinh xã hội được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo đặt lên hàng đầu. Ngân sách các cấp đã sử dụng nguồn dự phòng và các nguồn vốn khác, kịp thời hỗ trợ khi người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh…
Ngoài ra, tái cơ cấu đầu tư công bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, kế hoạch vốn đầu tư được bố trí theo thứ tự ưu tiên: Thanh toán nợ xây dựng cơ bản, các dự án chuyển tiếp, đối ứng dự án sử dụng vốn ODA, vốn ngân sách T.Ư, hạn chế khởi công mới. Đối với dự án mới, kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình, kế hoạch đã phê duyệt, chỉ đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Nhiều dự án lớn, quan trọng, có tính chất kết nối vùng, dự án nhằm thực hiện các nghị quyết của HĐND, các đề án đã được bố trí vốn thực hiện. Từ những dự án được đầu tư đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và QP-AN, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Nga