(HBĐT) - Năm 2019, huyện Kim Bôi có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: bưởi hữu cơ, mứt sấy hữu cơ và mật ong chanh đào hữu cơ của Nông trại hữu cơ Linh Dũng; trà túi lọc Xạ Mộc Hương, chủ thể là HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Bì; nước uống đóng bình, đóng chai Mường Động của cơ sở sản xuất Chung Vinh Minh Nhã. UBND huyện đã phối hợp các sở, ngành tạo điều kiện cho tất cả sản phẩm tham gia các chương trình, hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) kiểm tra quá trình phát triển của đàn ong để quay mật đúng thời gian, đảm bảo chất lượng mật tốt để tham gia Chương trình OCOP năm 2020.
Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các chủ thể chủ động thay đổi cách tiếp cận khách hàng, hình thức bán hàng như: xây dựng đội ngũ bán hàng online, tổ chức các khóa học về kỹ năng bán hàng cho đội ngũ nhân viên bán hàng; nâng cấp lại nhà xưởng, hoàn thiện quy trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm.
Năm nay, huyện Kim Bôi đặt mục tiêu có 4 sản phẩm được chuẩn hóa; 4 sản phẩm đủ điều kiện dự thi cấp tỉnh; 3 - 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Để đảm bảo các nội dung hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm phù hợp với thực tế của cơ sở, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Văn phòng điều phối chương trình NTM đã thực hiện rà soát tiềm năng phát triển sản phẩm, xây dựng các nội dung hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức: qua hệ thống truyền thanh, truyền hình; lồng ghép trong các hội nghị từ huyện tới thôn, xóm. Từ đầu năm đến nay, Phòng NN&PTNT đã tổ chức 2 lớp tập huấn về OCOP cho các chủ thể về quá trình làm hồ sơ, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.
Qua nghiên cứu, đánh giá một số sản phẩm tiềm năng tại các xã, thị trấn, đến nay, huyện xác định 4 sản phẩm hỗ trợ chuẩn hóa, gồm: bưởi của HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động; nhãn, chủ thể HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy; mật ong của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến; tinh dầu sả chanh của HTX Dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ. Nội dung hỗ trợ các chủ thể: đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch; xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng trang web quảng bá sản phẩm, bao bì nhãn mác và phân tích các chỉ tiêu công bố chất lượng sản phẩm. Huyện dự kiến hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện vào giữa tháng 9.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ năm 2019 đến nay, các chủ thể tham gia gặp không ít khó khăn về nguồn lực tài chính, chủ thể sản xuất hầu hết là những người lao động chưa qua đào tạo, nên kiến thức về sản xuất kinh doanh, thị trường, cũng như quy định của pháp luật đối với sản phẩm còn hạn chế. Tuy nhiên, với khát vọng phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện, cấp ủy, chính quyền cùng các chủ thể nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện mẫu mã, quảng bá sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP năm 2020 đạt kết quả cao nhất.
Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy cho biết: Tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để HTX quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn Thủy. Khi nhãn Sơn Thủy được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh sẽ góp phần giữ gìn, phát triển thương hiệu nhãn Sơn Thủy. Tổng diện tích trồng nhãn của HTX là 34 ha. Từ năm 2019, 100% diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX xác định sản xuất sạch là yếu tố then chốt khi tham gia Chương trình OCOP, nên các thành viên nghiêm túc tuân thủ quy trình chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, năm nay nhãn quả to, sáng bóng, năng suất đạt 12 tấn/ha. Hiện, sản phẩm nhãn Sơn Thủy của HTX đã có mã vạch, tem điện tử QR Code, bao bì sản phẩm được thiết kế bằng thùng giấy carton, trọng lượng 2 kg, 5 kg, 10 kg...
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất và dịch vụ vốn chưa kịp phục hồi "sức khỏe" sau đợt dịch lần đầu. Thời điểm này, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước đang là vấn đề cấp bách giúp các DN duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách.
(HBĐT) - Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, thiên tai dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân đã giúp chương trình XDNTM của tỉnh tiếp tục đạt kết quả tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu.
(HBĐT) - Xác định tuổi trẻ là lực lượng tiên phong, xung kích, sáng tạo trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Đoàn Thanh niên xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo dưới nhiều hình thức, hoạt động cụ thể. Từ đó, phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi đã tạo sự lan tỏa rộng khắp, góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
(HBĐT) - Trong tháng 7, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 2 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 292 tỷ đồng. Lũy kế 7 tháng qua quyết định chủ trương đầu tư cho 29 dự án, trong đó có 28 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 10.148,7 tỷ đồng; 1 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 0,4 triệu USD.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình hành động số 14, ngày 30/8/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cấp ủy, chính quyền các cấp đã phổ biến, triển khai gắn với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị.