(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a), tỉnh ta có 2 huyện Kim Bôi, Đà Bắc thực hiện chương trình. Từ việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu thực tế của cơ sở, chương trình đã góp sức lớn giúp KT - XH của huyện nghèo thay đổi tích cực, nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm.
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực; xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH phù hợp với đặc điểm của từng huyện... Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo huy động nguồn lực để triển khai thực hiện. Theo đó, trong giai đoạn 2014 - 2020, vốn ngân sách T.Ư đã hỗ trợ 286.733 triệu đồng thực hiện Nghị quyết 30a cho 2 huyện nghèo; ngân sách địa phương bố trí 21.205 triệu đồng; các doanh nghiệp, cộng đồng và đoàn thể hỗ trợ 13.528 triệu đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2009 - 2020, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đạt 191.884 triệu đồng.
Nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của địa phương, tại 2 huyện đã xây dựng được 65 mô hình giảm nghèo với 2.066 hộ tham gia. Điển hình như ở huyện Đà Bắc triển khai các mô hình trồng lúa J02, trồng chè, sachi, hỗ trợ mua máy nông nghiệp, máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm... Huyện Kim Bôi triển khai các dự án nuôi gà an toàn sinh học, trồng thanh long ruột đỏ, nhãn chín muộn và triển khai dự án nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản... Các mô hình bước đầu tạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập; khả năng giúp các hộ không rơi vào nguy cơ tái nghèo đạt trên 80%.
Những năm qua, việc thực hiện Chương trình 30a được chú trọng tới các chính sách về hỗ trợ nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo... Qua đó, đã có trên 7.000 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để làm nhà ở; gần 500 hộ nghèo có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà ở từ nguồn quỹ Vì người nghèo và các nguồn huy động khác. Ngân hàng CSXH đã thực hiện 20 chương trình tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với gần 93.000 lượt người được vay vốn ưu đãi. Có 157.140 lượt hộ nghèo, hộ chính sách được hỗ trợ tiền điện, với tổng kinh phí 45.146 triệu đồng...
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Thông qua các chương trình, dự án góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nhiều xã; đời sống Nhân dân được nâng lên; nhận thức của bà con có chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn cải thiện đáng kể nhờ được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới. Các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường, lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, góp phần rất lớn vào phát triển KT-XH của địa phương.
Theo đó, trong giai đoạn 2014 - 2020, huyện Kim Bôi đã đầu tư 14 công trình với tổng số tiền 115.793 triệu đồng. Huyện Đà Bắc đầu tư 55 công trình với tổng số tiền 174.258 triệu đồng.
Từ thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững đã được phê duyệt, đối với huyện Kim Bôi, trong giai đoạn 2016 - 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,04% còn 14,77%, bình quân giảm 5,07%/năm, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 4%/năm). Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,5 triệu đồng, tăng 18,12 triệu đồng so với năm 2016; tính riêng thu nhập của hộ nghèo tăng 1,5 lần so với đầu giai đoạn; đã có 6.270 hộ thoát nghèo...
Đối với huyện Đà Bắc, cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51,75% còn 29,22%, bình quân giảm 5,63%/ năm, vượt kế hoạch đề ra theo mục tiêu của Chương trình 30a. Năm 2019, thu nhập bình quân của huyện đạt 27,5 triệu đồng/người, tăng 5,9 triệu đồng so với năm 2016; tính riêng thu nhập của hộ nghèo tăng 1,5 lần so với đầu giai đoạn. Toàn huyện có 2.910 hộ thoát nghèo...
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo và các chính sách dân tộc hỗ trợ có trọng tâm như Chương trình 30a phù hợp với nhu cầu của người dân; không còn tình trạng bình quân chia đều trong thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Các tiểu dự án được đầu tư đúng địa bàn, đối tượng, nhờ vậy đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Thu Hiền