(HBĐT) - Ngược lên các xã vùng cao huyện Tân Lạc những ngày đầu thu, chúng tôi cảm nhận được sự chuyển mình trong nhịp sống mới của mảnh đất, con người nơi đây. Cuộc sống của đồng bào đang đổi thay, khởi sắc từng ngày, kinh tế trên đà phát triển. Bà con rộn ràng đón Tết Độc lập.



Sản phẩm nông sản đặc trưng của các xã vùng cao Tân Lạc được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Thời gian qua, các xã đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Công cuộc xây dựng NTM đã mang đến luồng sinh khí mới cho các xã vùng cao, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Tại các xã vùng cao khí hậu quanh năm mát mẻ, huyện định hướng phát triển những sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của vùng như rau su su và các loại rau ôn đới, diện tích khoảng 120 ha. Hiện, tổng diện tích sản xuất rau su su toàn huyện là 64 ha, trong đó, xã Quyết Chiến trên 60 ha, xã Vân Sơn trên 4 ha. Với đặc điểm trồng 1 lần cho thu hoạch từ 2 - 3 năm, lợi nhuận bình quân năm thứ nhất đạt 80 triệu đồng/ha, năm thứ hai từ 100 - 120 triệu đồng/ha.

Chị Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX Rau an toàn Quyết Chiến chia sẻ: "Điều người tiêu dùng cần là sản phẩm sạch, có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Với 7 tháng thu hái trong năm, rau su su VietGAP cho sản lượng 63 tấn/ha, thu nhập bình quân khoảng 400 triệu đồng/ha. Sản phẩm rau su su của HTX có đầy đủ tem nhãn, bao bì, đã có mặt tại một số siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Thủ đô Hà Nội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích rau VietGAP, tham gia các hội chợ để kết nối thị trường, quảng bá thương hiệu, tạo niềm tin để nông dân yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định".

Ngoài ra, huyện phát triển giống quýt bản địa với hơn 60 ha cho hiệu quả kinh tế cao. 90% hộ dân xã Vân Sơn trồng quýt cổ, các hộ dân đã biết đầu tư kỹ thuật, phân bón, chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng nên cho thu nhập cao. Qua đó, góp phần giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Cuối năm 2018, quýt Nam Sơn được đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể là một minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương và Nhân dân xã trong việc khôi phục, duy trì, phát triển cây quýt cổ gần 15 năm qua. Từ đây, quýt Nam Sơn trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu...

Thời gian tới, huyện tích cực chuyển giao KHKT theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; lồng ghép các nguồn vốn, tạo điều kiện để hộ trồng rau phát triển sản xuất, tập trung nâng cấp hạ tầng khu vực sản xuất tập trung; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm rau su su và các loại rau ôn đới; hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; kết hợp hài hòa giữa du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với phát triển sản xuất rau vùng cao. Huyện sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất rau su su khoảng 100 ha tại các xã: Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông. Mở rộng diện tích trồng rau ôn đới dự kiến 20 ha, với sự tài trợ của tổ chức GNI thông qua Dự án phát triển nông thôn huyện Tân Lạc gắn với phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với đó, nhiều chương trình, dự án, hoạt động đầu tư, hỗ trợ đã kịp thời tiếp sức cho công cuộc đổi mới ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn từ 2015-2020, Chương trình 135, Dự án Giảm nghèo... đã đầu tư, hỗ trợ kinh phí hàng trăm tỷ đồng cho sản xuất, cải thiện hạ tầng cơ sở các xã vùng cao. Hiện, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã thuận tiện. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 97% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nhiều chính sách đặc thù được triển khai hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn, tập huấn kiến thức nâng cao năng lực cho hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, phát huy nội lực, ý thức tự lực, tự cường của Nhân dân, cuộc sống mới ở các xã vùng cao đã có những bước chuyển quan trọng. Thời gian qua, UBND huyện đã xây dựng các chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện tốt chương trình phát triển KT - XH gắn với giảm nghèo, phương châm chỉ đạo là tập trung huy động nguồn lực cho phát triển KT - XH, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất vùng khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện nói chung, các xã vùng cao nói riêng luôn đạt, vượt kế hoạch hàng năm. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện rõ rệt. Qua thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, người dân vùng cao đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.


Đinh Thắng


Các tin khác


Cung ứng 17 tấn phân bón hữu cơ cho 90 hộ trồng rau an toàn

(HBĐT) - Ngày 30/8, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kim Bôi phối hợp Công ty CP Kỹ thuật vật tư Bắc Kạn cung ứng phân bón hữu cơ cho các hộ trồng rau sạch trên địa bàn huyện.

Cơ cấu lại nền kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện, trong đó có Kế hoạch số 37, ngày 27/3/2018 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế, phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020.

Bảo vệ năng suất cây có múi khi thời tiết diễn biến phức tạp

(HBĐT) - Thời điểm này, trong các vườn kinh doanh, cây có múi đang phát triển quả - mọng quả, vườn kiến thiết trong giai đoạn phát triển thân, lá. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, để đảm bảo năng suất, chất lượng quả các loại cây có múi đến cuối vụ, Sở NN&PTNT khuyến cáo, các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân, các nhà vườn chủ động phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. 

Tháng 8, kim ngạch xuất khẩu tăng 44,46% so với tháng trước

(HBĐT) - Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 120,266 triệu USD, tăng 44,46% so với tháng trước.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hợp tác xã

(HBĐT) - Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, đến ngày 15/8, toàn tỉnh có 398 HTX, gồm: 374 HTX hoạt động và 24 HTX ngừng hoạt động. Tổng số cán bộ quản lý của các HTX là 1.723 người, tăng 1,95% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tỷ lệ cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên chiếm khoảng 40,42%, trình độ sơ cấp, trung cấp khoảng 34,76%. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục