Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình đưa vào khai thác đã mở rộng cánh cửa thu hút đầu tư vào tỉnh.
Cái "sợ” của bạn tôi và chắc hẳn cũng của nhiều người giờ trở thành quá khứ. Quốc lộ (QL) 6, đoạn Hòa Bình - Xuân Mai đã được đầu tư mở rộng. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực vượt khó, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã đưa vào khai thác, từ Hà Nội lên Hòa Bình rút ngắn hơn 20 km, chỉ còn khoảng 1 giờ xe chạy. Tuyến đường đã kết nối tỉnh ta gần hơn với vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo môi trường thu hút đầu tư, mở ra cơ hội phát triển đô thị, du lịch, thương mại dọc tuyến. Hiện, đã có những nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án xung quanh đường Hòa Lạc - Hòa Bình cũng như trên địa bàn tỉnh.
Những ngày này, công trình cầu Hòa Bình 2 đang hối hả thi công để đáp đích đúng tiến độ. Sau khi hoàn thành, cùng với các cây cầu bắc qua sông Đà sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông và là điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, thúc đẩy đầu tư mở rộng không gian đô thị, tạo động lực phát triển KT - XH, thu hút đầu tư, đảm bảo AN-QP của TP Hòa Bình nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung.
Với vai trò đặc biệt quan trọng của "giao thông đi trước mở đường”, 5 năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng được đầu tư như: Đường tỉnh 433, đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL 12B đi QL 1; dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435; dự án đường nối từ QL 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), cầu Hòa Bình 3, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc… Nhiều tuyến đường huyện và giao thông nông thôn cũng được đầu tư, nâng cấp. Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 10.340 km đường bộ, tăng 86 km so với năm 2015.
Thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, những năm qua, cùng với nguồn vốn NSNN, vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và Nhân dân đã được các cấp, ngành huy động bằng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt khoảng 80.630 tỷ đồng, đầu tư vào hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, đô thị, cấp điện, cấp - thoát nước, giáo dục, y tế, du lịch và phát triển SX-KD.
Sản xuất nông nghiệp và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chiếm khá cao. Do vậy, các địa phương đã ưu tiên nguồn lực cho hệ thống thủy lợi với nhiều công trình được nâng cấp, xây dựng mới đảm bảo tưới tiêu và phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nhanh tay thu hoạch rau trên khu ruộng xanh mướt, bà Hoàng Thị Kiều, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Thành An, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) cho biết: Các thành viên HTX đầu tư trồng 9 ha rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP và 1 ha rau hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi tham gia dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi giá trị, trên cánh đồng của xóm được đầu tư hệ thống mương dẫn nước kiên cố, đảm bảo cung cấp nước, nhờ đó giúp sản xuất thuận lợi, hiệu quả hơn.
5 năm qua, trong tỉnh đã có gần 400 công trình thủy lợi được đầu tư nâng cấp, hơn 250 km kênh mương xây dựng kiên cố. Hiện, toàn tỉnh có 1.995 công trình thủy lợi, gần 3.740 km kênh mương các loại, đảm bảo tưới chủ động cho hơn 53 nghìn ha cây hàng năm, tăng 4,1 nghìn ha so với năm 2015.
Nhìn lại 5 năm thực hiện khâu đột phá chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH của tỉnh, không thể không đánh giá đến hệ thống lưới điện được cải tạo, nâng cấp; hệ thống cấp nước sinh hoạt cải thiện; hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh, đồng bộ, mạng truyền dẫn đã cáp quang hóa đến tất cả các huyện, thành phố. Kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại - dịch vụ phát triển với trên 90 chợ, 5 siêu thị, 3 trung tâm thương mại. Tỉnh đã hoàn thành lập và công bố quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 1.940 ha; khu công nghiệp Lương Sơn và bờ trái sông Đà cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Một trong những điểm nhấn về phát triển kết cấu hạ tầng phải kể đến bộ mặt đô thị trung tâm TP Hòa Bình và các thị trấn được nâng cấp, mở rộng theo tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật đô thị. Toàn tỉnh có 12 đô thị, trong đó, TP Hòa Bình là đô thị loại III, thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng là đô thị loại IV. Tỉnh đang ưu tiên đầu tư nâng cấp TP Hòa Bình lên đô thị loại II, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) lên đô thị loại IV.
Song song với đó, tỉnh luôn chú trọng đầu tư hạ tầng GD&ĐT, toàn ngành có 84,6% phòng học kiên cố, 8,3% bán kiên cố. Mạng lưới hạ tầng y tế khá đồng bộ, nhất là phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Thiết chế văn hóa các cấp tiếp tục phát triển, hiện 10 huyện, thành phố đều có nhà văn hóa, sân vận động, nhà thi đấu thể dục thể thao; 82 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa theo tiêu chí của Bộ VH-TT&DL; 84% thôn, bản có nhà văn hóa, sân chơi thể thao.
Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh KT - XH, Hòa Bình đang có những bước đi vững chắc nhằm tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững.
Bình Giang