Tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam dù ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua (quý III tăng 2,62%, 9 tháng tăng 2,12%), nhưng Tổng cục Thống kê đánh giá đây vẫn là thành công lớn. Các chuyên gia kinh tế thì nhấn mạnh rằng, nếu việc kiểm soát dịch bệnh tốt như hiện nay, kỳ vọng mức tăng trưởng GDP còn cao hơn và kinh tế Việt Nam có thể lập kỳ tích thế giới, bởi hầu hết các nước trên thế giới đều có mức tăng trưởng âm trong bối cảnh chịu tác động nặng nề dịch COVID - 19.
Xuất khẩu gạo Đồng bằng Sông Cửu Long sang Châu Âu. Ảnh: TTXVN
Nhiều khu vực kinh tế khởi sắc
Theo dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý III/2020 ước tính đạt 2,62%, cao hơn nhiều mức tăng 0,39% của quý II và nhờ đó giúp GDP cả nước trong 9 tháng đạt mức tăng 2,12%. Dù là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực và ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận đây vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng dương cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đáng chú ý trong 3 tháng qua, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%, công nghiệp và xây dựng tăng 2,95% và dịch vụ tăng 2,75%. Tính chung 9 tháng đầu năm, các khu vực kinh tế tăng lần lượt 1,84%, 3,08% và 1,37%. Với mức tăng trưởng cao, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế đồng thời duy trì đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu an sinh, an dân trong bối cảnh đại dịch.
Một điểm sáng đang chú ý khác là dù khu vực dịch vụ cũng tăng thấp nhất nhiều năm do các ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch nhưng cũng có nhiều lĩnh vực duy trì tăng trưởng dương cao như bán buôn và bán lẻ tăng gần 5% hay hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm tăng 6,68%.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng dự báo kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Do đó trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đồng thời tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, trong đó tập trung vào đối tượng doanh nghiệp, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời.
Bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân cao thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Coi trọng nguồn nhân lực
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua do nhiều yếu tố. Yếu tố cơ bản và quan trọng nhất vẫn là kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 rất tốt.
Ngoài vấn đề kiểm soát được dịch bệnh, việc đóng góp của nông nghiệp là tương đối. Theo phân tích của TS Doanh, nông nghiệp của chúng ta thời gian qua được mùa, tiếp tục đóng góp vào xuất khẩu. Trong khi những thị trường lớn như Trung Quốc lại mất mùa. Đây là cơ hội lớn để chúng ta xuất khẩu nông sản.
"Chúng ta vừa được mùa lại được giá nên phần nào đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước” - TS Doanh nói. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam giữ được ổn định, việc thu hút được đầu tư nước ngoài cũng tăng cao. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã rút khỏi Trung Quốc để đầu tư sang Việt Nam là điều mà làm cho nền kinh tế tăng trưởng.
Một yếu tố quan trọng góp phần cho tăng trưởng nền kinh tế thời gian qua theo TS Doanh đó là các doanh nghiệp trong nước. Qua đại dịch COVID-19 chúng ta thấy sự quan trọng và phát huy được thế mạnh về nội lực trong nước.
Thứ hai, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cần phải được nâng cao lên. Trong đó, TS Doanh lưu ý là kết cấu hạ tầng, Logistics, chất lượng của nguồn nhân lực. "Từ trước đến nay, chúng ta thường ca ngợi rằng Việt Nam là có lợi thế về nguồn nhân lực, nhưng lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, rẻ đã giảm bớt. Bởi vì trẻ và rẻ chỉ vận dụng cho các ngành dệt may, da giày…Hiện nay tỉ trọng những ngành này đã giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy tới đây Việt Nam phải cải tiến chất lượng Logistics, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, TS Doanh nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thành công lớn nhất là 2 lần kiểm soát được dịch bệnh, trong quy III và quý IV nếu tình hình này được duy trì kinh tế sẽ tăng trưởng ổn định lại và dự kiến tăng nhanh trong năm tới. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng thành công như vậy nhưng chung ta cũng không nên lơ là trước đại dịch.
Theo ông Long, so với các nước thì chúng ta dương. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng thì chúng ta cần phải chú trọng chất lượng. "Chất lượng là chỉ tiêu nâng cao tầm vóc của một nền kinh tế. Nên nếu chạy đua số lượng mà bỏ qua chất lượng thì nền kinh tế đi xuống”, ông Long nói và nhấn mạnh rằng từ nay đến cuối năm các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm nên có thể GDP tăng lên đến 3%.
Theo Báo Lao động
(HBĐT) - Không màu mè, nói ít, âm thầm, bền bỉ lấy tiến độ, chất lượng công trình, dự án khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực đầu tư xây lắp, thương mại, đó là nguyên tắc hoạt động cũng như tính cách của chị Nguyễn Thị Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Thương mại Mỹ Phong (Công ty Mỹ Phong).
(HBĐT) - Từ một nhà phân phối bán hàng chỉ có 6 cán bộ, công nhân viên, đến nay, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Thương mại Định Nhuận ngày một lớn mạnh, trở thành một trong những doanh nghiệp uy tín, tiên phong phát triển mạng lưới phân phối hàng tiêu dùng của tỉnh.
(HBĐT) - Trao đổi với phóng viên Báo Hòa Bình trước thềm Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Hòa Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020-2025, ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định: Hiệp hội DN tỉnh phát huy vai trò là người đại diện cho DN, làm cầu nối giữa DN và các cơ quan quản lý Nhà nước, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của DN, xây dựng cộng đồng DN tỉnh lớn mạnh, bền vững.
(HBĐT) - Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) kinh doanh và phát triển lành mạnh.
(HBĐT) - Đồng chí Dương Như Rụ, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài FDI chủ yếu là DN Nhật Bản, Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử và may mặc, tập trung tại KCN Lương Sơn, bờ trái sông Đà, cơ bản triển khai dự án nhanh, bảo đảm tiến độ đề ra và hoạt động tốt, tạo được sự tăng trưởng ổn định, bền vững.