(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Cuối Hạ (Kim Bôi) đặt ra chỉ tiêu hoàn thành 14/19 tiêu chí xã NTM. Tuy nhiên, đến hết nhiệm kỳ, xã mới đạt 10/19 tiêu chí, còn bỏ ngỏ nhiều tiêu chí khó như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo… Vấn đề này trở thành thách thức không nhỏ đặt ra cho cấp ủy khóa mới và cả hệ thống chính trị xã Cuối Hạ.
Đường giao thông xóm Nghĩa thường xuyên bị ngập lụt, xói mòn vào mùa mưa lũ, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã đặt chỉ tiêu nghị quyết đại hội phấn đấu đến năm 2025, xã hoàn thành 15/19 tiêu chí, tuy chưa thể cán đích NTM nhưng cũng sẽ góp phần cải thiện cơ bản hạ tầng nông thôn và đời sống của Nhân dân. Toàn xã hiện có 10 xóm, hơn 1.700 hộ, với hơn 8.000 nhân khẩu, dân tộc Mường chiếm 98%. Thực hiện xây dựng NTM từ năm 2011 đến nay, xã đã đạt một số kết quả như: tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn 98%; tỷ lệ phổ cập giáo dục đạt 100%; trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 100%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 91%. Năm 2019, xã huy động nguồn lực xây dựng NTM hơn 7,8 tỷ đồng.
Hiện nay, các tiêu chí chưa đạt của xã chủ yếu liên quan đến cơ sở hạ tầng. Cụ thể như tiêu chí giao thông, đường xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo chỉ tiêu là 100%, tuy nhiên xã mới đạt 52,3%; hay đường trục thôn, liên thôn chỉ tiêu từ 50% trở lên cứng hóa, nhưng mới đạt 48,2%; đường trục chính nội đồng chỉ tiêu cứng hóa từ 50% trở lên mới đạt 4,24%. Tiêu chí về trường học, yêu cầu từ 70% trở lên các trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn, xã mới đạt 50% tiêu chí. Về cơ sở vật chất văn hóa, nhà văn hóa trung tâm và khu thể thao trung tâm xã hiện tại chưa được đầu tư xây dựng; xã có 6/10 xóm có nhà văn hóa nhưng đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng, 4 xóm còn lại phải sinh hoạt nhờ tại nhà dân, hoặc phòng học của nhà trường. Toàn xã còn 58 nhà tạm, nhà dột nát (chiếm 3,39%), trong khi yêu cầu tiêu chí nhà ở là không có nhà tạm hay dột nát. Thu nhập bình quân còn ở mức thấp, đạt 14,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 21,2%.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế trên một phần do nhận thức của một số cán bộ và Nhân dân về xây dựng NTM hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong việc triển khai chương trình thiếu chủ động. Xã có địa bàn rộng nhưng lại ít đất canh tác, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung. Nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN còn ít, vốn xã hội hóa chưa nhiều, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hạn chế, chậm so với kế hoạch. Ngoài ra, địa hình của xã đa phần là đồi núi, có nhiều dốc thoải, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, nên giao thông xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chỗ bị xói mòn, ngập nặng vào mùa mưa…
Trước khó khăn trên, xã đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu đạt 15/19 tiêu chí đến hết năm 2025. Đồng chí Bùi Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xã chủ trương nhân rộng một số mô hình hiệu quả giúp người dân tiếp cận với KH-KT áp dụng vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Chủ động nguồn cây, con giống và trang thiết bị hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp từ các nguồn, định hướng đầu ra của sản phẩm về giá cả, thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, xem xét thực hiện các tiêu chí dễ, cần ít kinh phí để làm trước, ưu tiên những vấn đề cấp thiết như phát triển sản xuất, đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt... Ngoài việc sử dụng nguồn vốn từ NSNN, cần tăng cường vốn xã hội hóa, đặc biệt, đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để tạo động lực cho Nhân dân không được trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, mà phải có trách nhiệm tham gia cùng thực hiện”.
Thanh Sơn
(HBĐT) - Những năm qua, nhờ Chương trình 135 (CT 135), bộ mặt của nhiều xóm, xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn đang từng ngày thay đổi. Những dự án, chính sách hỗ trợ thiết thực từ chương trình thực sự là "đòn bẩy” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, là động lực quan trọng giúp đẩy nhanh Chương trình MTQG xây dựng NTM.
(HBĐT) - Trong 9 tháng, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, vượt 6,05% so với cùng kỳ, đạt 91,16% kế hoạch năm. Dự kiến đến cuối năm giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, vượt 6,8% so với cùng kỳ, đạt kế hoạch đề ra.
(HBĐT) - Những năm qua, nhờ tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án vào địa bàn đã góp phần tạo đòn bẩy để huyện Lương Sơn đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với mức bình quân chung của tỉnh (13,86/9,15%), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
(HBĐT) - Chương trình hành động số 14/CTr-TU, ngày 30/8/2017 của BTV Tỉnh ủy Hòa Bình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng xác định một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển lâm nghiệp tỉnh bền vững cả về KT-XH và môi trường, đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng. Những năm qua, công tác phát triển rừng gắn với đảm bảo lợi ích an sinh xã hội của cộng đồng được tỉnh chú trọng thực hiện.
(HBĐT) - Những năm qua, người chăn nuôi ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô trang trại (TT), gia trại. Điều này đã góp phần khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, hạn chế rủi ro do dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác huy động vốn, tập trung giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, cho vay các chương trình ưu tiên.