Hạ tầng TP Hòa Bình được quan tâm đầu tư phấn đấu nâng cấp đô thị đạt tiêu chí loại II.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng tham mưu triển khai các nhóm giải pháp phát triển đô thị. Theo đó, giao việc cụ thể, sát sao đôn đốc, lấy việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển đô thị theo nghị quyết đại hội (NQĐH) để đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu, đánh giá xếp loại các đơn vị, địa phương.
Các ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh chú trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, triển khai hoàn thành nhiều dự án, công trình trọng điểm, có sức lan tỏa thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để hoàn thành chỉ tiêu ĐTH, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thành công sắp xếp đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 6, T.Ư 7, Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó, đã giảm được 59 xã, 1 huyện. Đặc biệt, TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn là 2 địa phương có tỷ lệ đô thị cao, đã tập trung chỉ đạo hiệu quả sắp xếp đơn vị hành chính, đầu tư kết cấu hạ tầng, cụ thể hóa quy hoạch phát triển đô thị, góp phần nâng cao tỷ lệ ĐTH toàn tỉnh. Đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ ĐTH của tỉnh đạt 14,53%, đến tháng 6/2020 đã đạt 28,69%, tăng thêm so với đầu nhiệm kỳ 14,16%, hoàn thành và vượt 114,76% chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi NQĐH lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đến năm 2025, chỉ tiêu ĐTH toàn tỉnh đạt 38%. Sở Xây dựng đề xuất một số nội dung về thực hiện chỉ tiêu ĐTH tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 như sau: Lập Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035 trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2050 được phê duyệt; tiếp tục đầu tư các đô thị, phấn đấu nâng cấp đô thị TP Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn đạt các tiêu chí cấp hành chính thị xã Lương Sơn, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị trấn Phong Phú đô thị loại V, các thị trấn được mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại V. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp như: Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2050; triển khai lập quy hoạch xây dựng vùng các huyện. Triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 830 làm cơ sở lập chương trình, kế hoạch phát triển đô thị: TP Hòa Bình; Lương Sơn; Đà Bắc; Bo; Ba Hàng Đồi; Chi Nê; Vụ Bản; thị trấn Mãn Đức; Phong Phú; Hàng Trạm. TP Hòa Bình triển khai quy hoạch phân khu các phường thành lập mới (Quỳnh Lâm, Trung Minh, Mông Hóa) và phường hiện hữu để triển đầu tư các dự án đô thị. Rà soát để đầu tư có trọng điểm, đảm bảo tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, huy động các nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách để phấn đấu đến năm 2025, nâng cấp đô thị TP Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn đạt các tiêu chí cấp hành chính thị xã Lương Sơn, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành lập thị trấn Phong Phú đô thị loại V, các thị trấn được mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại V. Tiếp tục quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã có tiềm năng phát triển KT-XH thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh, để đề xuất thành lập đô thị loại V.
Bên cạnh đó, thực hiện các nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị (lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, thực hiện việc thiết kế các đồ án quy hoạch đạt chất lượng tốt, có tầm nhìn, đảm bảo việc phát triển đô thị bền vững); nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư; nhóm giải pháp về phát triển thị trường bất động sản; nhóm giải pháp phát triển đô thị bằng dự án lớn, chương trình lớn chịu ảnh hưởng của vùng Thủ đô Hà Nội; nhóm giải pháp về nguồn vốn; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, khuyến khích đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, khuyến khích thực hiện các dự án theo hình thức đầu tư đối tác công tư PPP… Đồng thời ưu tiên, khuyến khích các nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị; tạo nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng các khu đất có lợi thế về thương mại, bất động sản, để có kinh phí đầu tư hạ tầng đô thị; chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông, lâm nghiệp sang thương mại, dịch vụ du lịch.
Hiện, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, thực hiện việc thiết kế đồ án quy hoạch có chất lượng tốt, tầm nhìn đảm bảo việc phát triển đô thị bền vững. Từ đó tạo cơ sở khoa học để thu hút đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch, phát triển thị trường bất động sản; phát triển đô thị bằng dự án, chương trình lớn chịu ảnh hưởng của vùng Thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh...
Lê Chung