(HBĐT) - Những năm qua, nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã đồng hành cùng hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%/năm, góp sức giúp xã đạt chuẩn NTM năm 2016.
Từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, gia đình anh Bùi Văn Lợi, xóm Nạch, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Từ số vốn ban đầu chưa đến 10 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo, nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, tích lũy đầu tư, gia đình anh Bùi Văn Lợi, xóm Nạch đã thoát nghèo. Hiện, gia đình anh duy trì 5.000 m2 trồng mía, 1.000 m2 lúa cho thu nhập ổn định. Gia đình anh Lợi chỉ là một trong hàng trăm hộ sử dụng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, có hiệu quả trên địa bàn xã Tân Mỹ.
Xã có 13 xóm, 1.624 hộ, hơn 7.500 nhân khẩu. Toàn xã có 19 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH, dư nợ đạt trên 15,6 tỷ đồng, với 706 hộ vay. Trong đó, chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có dư nợ cao nhất, đạt trên 4,3 tỷ đồng, với 222 hộ vay; chương trình cho vay hộ nghèo dư nợ trên 2,8 tỷ đồng, 110 hộ vay; chương trình cho vay hộ cận nghèo dư nợ trên 2,4 tỷ đồng, 91 hộ vay; chương trình cho vay hộ thoát nghèo dư nợ trên 2,1 tỷ đồng, 94 hộ vay… Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,03%. Ngoài ra, xã huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ trên 625 triệu đồng.
Đảng ủy, UBND xã đã chủ động phối hợp Ngân hàng CSXH huyện triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Xã đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách thông qua sinh hoạt chi, tổ của các đoàn thể, niêm yết công khai tại điểm giao dịch xã. Theo cơ chế hiện hành, 4 tổ chức chính trị - xã hội của xã nhận ủy thác vốn của Ngân hàng CSXH. Để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, người được vay sử dụng đúng mục đích, các tổ TK&VV tổ chức họp bình xét cho vay bảo đảm dân chủ, công khai. Ngoài ra, xã chủ động phối hợp các ban, ngành của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trang bị kiến thức, hướng dẫn người nghèo cách tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả để nhân rộng, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập. Xã chỉ đạo, vận động Nhân dân làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với cải tạo vườn tạp. Đặc biệt là chuyển một số diện tích đất bưa bãi, đất ruộng 1 vụ kém hiệu quả sang trồng mía đường, củ đậu, bí xanh, mía tím, dưa hấu… Trên địa bàn xã có một số cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả cao như: Sắn gần 300 ha, mía tím 51 ha; bí xanh 20 ha; cây củ đậu 26 ha; cây ăn quả có múi trên 50 ha…
Đồng chí Bùi Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH thực sự là cứu cánh đối với hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn. Cùng với tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người nông dân đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn dưới 9%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 dự kiến đạt 40 triệu đồng.
Hải Linh
(HBĐT) - Sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn của HTX Nông nghiệp Hòa Bình, thôn Yên Lịch, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) vừa được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Được gắn sao OCOP cấp tỉnh đã khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn.
(HBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 04 - CT/TU ngày 20/11/ 2015 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cụ thể hóa nội dung Chỉ thị bằng ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để đẩy mạnh công tác thu NSNN nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Nhiệm vụ thu NSNN cũng được các Huyện uỷ, Thành uỷ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là trong công tác thu tiền sử dụng đất (SDĐ).
Ngày 15-11, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký. Khi được cả 15 thành viên thực thi, Hiệp định sẽ tạo nên một thị trường có quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, GDP 26,2 nghìn tỷ USD, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia và phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, đồng thời thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài.
(HBĐT) - Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Yên Thủy tập trung xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp để tạo sự gắn kết giữa các hội viên; tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, HTX và thị trường tiêu thụ. Phát triển mô hình kinh tế hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa; giúp hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm...
(HBĐT) - Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, người dân huyện vùng cao Đà Bắc đã chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc. Hướng đi này đem lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập.
(HBĐT) - Năm 2020, các chương trình khuyến công tiếp tục được đẩy mạnh. Các cơ sở công nghiệp đã quan tâm đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng ở các ngành gia công. Tiểu thủ công nghiệp phát triển đã giải quyết nhiều việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp.