(HBĐT) - Sau khi tham gia dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng đã giúp 38 hộ dân xóm Chàm, xã Tân Pheo (Đà Bắc) nắm bắt được kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như từng bước thay đổi các tập quán lạc hậu.


Từ sự hỗ trợ của dự án, các hộ dân ở xóm Chàm, xã Tân Pheo (Đà Bắc) từng bước nắm bắt, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.

Tân Pheo là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, với nền kinh tế thuần nông, trình độ sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế. Do đó, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã lựa chọn để thực hiện dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng năm 2020 tại xóm Chàm với 38 hộ tham gia. Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Dự án nhằm hỗ trợ xây dựng các mô hình, nâng cao nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất, ứng dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm, cải thiện bữa ăn hàng ngày, cải thiện chế độ dinh dưỡng, nhất là với trẻ nhỏ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, từ tháng 5 - 12/2020, dự án triển khai hỗ trợ 3 mô hình cho các hộ tham gia, gồm: Thâm canh lúa chất lượng, chăn nuôi gà thịt an toàn và nuôi cá ghép trong ao. Mặc dù thời gian thực hiện dự án ngắn, nhưng người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả dự án đem lại. Gia đình ông Lường Văn Phốm được hỗ trợ 80 con gà mía giống 1 ngày tuổi. Đến nay, gà đạt trọng lượng bình quân 1,5 kg/con. Ông Phốm chia sẻ: "Từ trước đến nay, khi gà đẻ trứng, ấp trứng, nở thành gà con do gà mẹ chăm hoàn toàn nên tỷ lệ gà con bị hao hụt rất nhiều. Có những lứa gà được 80 - 90 con, đến khi lớn chỉ còn khoảng 20 con. Khi được dự án hỗ trợ gà con mới 1 ngày tuổi, tôi nghĩ, không biết nuôi thế nào để con gà còn non như vậy sống được. Nhưng, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, cách cho ăn, cho uống nước, phun tiêu độc, khử trùng, gà phát triển nhanh, không còn bị hao hụt như trước đây”.

Trong các mô hình dự án triển khai thực hiện, mô hình thâm canh lúa chất lượng nhận được sự đồng tình, hưởng ứng lớn của bà con xóm Chàm. Những năm trước đây, năng suất lúa ở xã Tân Pheo đạt thấp, khoảng 45 tạ/ha, thấp hơn mức bình quân của tỉnh khoảng 16%. Thế nhưng, vụ lúa vừa rồi, 38 hộ dân xóm Chàm rất phấn khởi, khi giống lúa dự án hỗ trợ (giống VNR 20, Sumo) cho năng suất đạt 60 tạ/ha. "Trước đây, khi thấy lúa bị sâu bệnh gây hại nhiều, gia đình tôi mới đi mua thuốc phun. Việc gieo mạ, bón phân, trị sâu bệnh dựa theo kinh nghiệm truyền thống. Khi tham gia dự án, được cán bộ hướng dẫn, gia đình đã nắm bắt được yêu cầu kỹ thuật từng khâu trong thâm canh cây lúa. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục được dự án hỗ trợ, nhân rộng mô hình cho nhiều hộ dân khác được tham gia để nâng cao năng suất lúa” - chị Xa Thị My, hộ dân tham gia dự án bày tỏ.

Đó cũng là mong muốn của bà con nơi đây khi tham gia buổi tổng kết dự án. Đồng chí Đinh Công Nhất, Chủ tịch UBND xã Tân Pheo cho biết: Xã hiện có trên 80 ha diện tích lúa nước, trên 80% hộ làm nông nghiệp; chăn nuôi giữ vai trò quan trọng, nhưng việc áp dụng khoa học, kỹ thuật của bà con còn hạn chế nên đàn vật nuôi thường mắc bệnh; xã cũng có trên 8 ha ao cá, nhưng bà con vẫn phải mua cá từ nơi khác. Thực tế đó cho thấy, việc triển khai "Dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng năm 2020” vừa qua có ý nghĩa rất thiết thực với địa phương. Xã mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của ngành chức năng, nhân rộng dự án, giúp bà con nắm bắt khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp để cải thiện cuộc sống.


Viết Đào


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục